Khi nào vợ/chồng phải tự trả nợ? Khi nào vợ/chồng phải cùng nhau trả nợ?
Ngày gửi: 06/11/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Trong quá trình sinh sống của các cặp vợ chồng việc đi vay mượn, nợ nần là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên vì nằm trong mối quan hệ hôn nhân nên có những khoản nợ phải cả hai cùng nhau trả, có những khoản nợ chỉ là nghĩa vụ riêng của từng người. Sau đây là các quy định của pháp luật về việc khi nào khoản nợ là nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng của từng người.
1. Khái niệm công nợ của vợ chồng
– Hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được định nghĩa là mối quan hệ giữa hai bên vợ và chồng sau khi đăng ký kết hôn.
– Thời kỳ hôn nhân đó là một khoảng thời gian mà tồn tại quan hệ vợ chồng, thời kỳ hôn nhân sẽ được tính bắt đầu từ ngày vợ chồng đăng ký kết hôn cho đến ngày chấm dứt hôn nhân theo quy định của pháp luật.
– Ly hôn được xác định là việc mà quan hệ vợ chồng của các bên sẽ chấm dứt dựa theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Các trường hợp vợ/chồng phải cùng nhau trả nợ (liên đới trả nợ)
Trong quá trình chung sống với nhau, trách nhiệm liên đới đối với các khoản vay của vợ, chồng sẽ được ghi nhận nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ do một bên vợ hoặc chồng thực hiện với mục đích nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình ví dụ như nhu cầu sinh hoạt, vay tiêu dùng, xây dựng nhà ở,…
Căn cứ Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đối với các trường hợp vợ chồng mà không có khối tài sản chung hoặc có khối tài sản chung nhưng không đủ để đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì người vợ hoặc người chồng có nghĩa vụ đóng góp khối tài sản riêng của mình theo khả năng kinh tế của mỗi bên vào khối tài sản chung.
Tuy nhiên trên thực tế không phải gia đình nào hay không phải người nào cũng có khối tài sản chung đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, lúc này một bên vợ hoặc chồng có thể đứng ra vay một khoản tiền, nguồn tài sản từ một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên kia phải liên đới chịu trách nhiệm.
– Nghĩa vụ liên đới thanh toán cho các khoản nợ mặc dù do một bên vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch dân sự nhưng do người đó là đại diện đương nhiên hoặc đại diện theo ủy quyền của người kia để thực hiện giao dịch:
Theo quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vợ, chồng có thể đại diện cho nhau xác lập các giao dịch dân sự trong các trường hợp sau:
Đại diện khi một trong hai bên là người bị mất năng lực hành vi dân sự và người kia có đủ các điều kiện theo quy định để làm người giám hộ.
Đại diện khi một người bị xác định là hạn chế năng lực hành vi dân sự và người kia được Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật cho người còn lại, trừ những trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền để tiến hành các thủ tục xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch dân sự, điều kiện là phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Trong hoạt động kinh doanh chung thì đối với người trực tiếp kinh doanh sẽ là người đại diện hợp pháp cho người còn lại.
– Các khoản nợ phát sinh từ những giao dịch dân sự do vợ chồng cùng nhau tiến hành việc thỏa thuận xác lập;
– Đối với nghĩa vụ phải chịu bồi thường thiệt hại do các hành vi của con chung gây ra mà căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
– Các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc vợ chồng cùng nhau sử dụng, chiếm hữu, định đoạt đối với nguồn tài sản chung;
– Trường hợp dùng tài sản riêng của một trong các bên vợ chồng nhằm mục đích duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc nhằm mục đích tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình;
– Do hai vợ chồng thỏa thuận thống nhất với nhau về việc cùng nhau thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
– Các nghĩa vụ khác nếu có theo quy định của các luật có liên quan.
Như vậy không phải mặc định khi nào đi vay tiền trong thời kỳ đăng ký kết hôn thì đó sẽ là khoản nợ chung của hai vợ chồng mà chỉ khi khoản vay đó thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cả hai vợ chồng sẽ phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm trả nợ.
3. Các trường hợp vợ/chồng phải tự trả các khoản nợ
Từ những trường hợp vợ chồng phải có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm trả nợ nêu trên thì ta có thể suy ra các trường hợp vợ chồng không phải cùng nhau liên đới trả nợ như:
– Mục đích của việc vay tiền không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình:
Như đã nêu ở trên trường hợp một trong các bên vợ chồng vay tài sản, tiền từ một bên thứ ba nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì sẽ được xác định cả hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm trả nợ, từ đó suy ra những khoản nợ do một trong hai bên vợ chồng thiết lập nhưng được sử dụng với mục đích riêng thì người đó sẽ phải tự chịu trách nhiệm với khoản vay của mình. Ví dụ như chồng đi vay tiền để đi đánh bài, ăn tiêu và tiêu xài riêng thì sẽ phải tự trả nợ;
Cách xác định các khoản nợ chung, nợ riêng của hai vợ chồng?
– Do hai vợ chồng có thỏa thuận với nhau về việc khoản vay đó sẽ do một bên chịu trách nhiệm trả nợ;
– Các nghĩa vụ, khoản nợ phát sinh từ những hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng ví dụ như đánh bài, lô đề, đá gà,…
– Việc vay mượn tiền không phải do cả hai vợ chồng cùng quyết định, thống nhất, đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện đương nhiên cho nhau thực hiện;
– Khoản nợ đó không thuộc các nghĩa vụ mà vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm đã được nêu ở trên: tức là nếu không thuộc một trong các trường hợp vợ chồng liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản vay ở trên thì nghĩa vụ trả nợ sẽ thuộc về một trong hai bên vợ hoặc chồng;
– Việc vay mượn tiền không thuộc các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng;
– Trường hợp vợ, chồng có làm ăn, kinh doanh chung nhưng giữa hai bên có thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ vay tiền, về đại diện trong quan hệ kinh doanh theo đó việc trả tiền cho các khoản vay, các giao dịch dân sự do một bên chịu trách nhiệm.
– Nghĩa vụ thanh toán cho các khoản nợ mà vợ hoặc chồng đã vay trước thời kì đăng ký kết hôn;
– Các khoản vay có nguồn gốc từ việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt khối tài sản riêng của một bên, ví dụ trường hợp dùng tài sản riêng để đi làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng thì người đó phải chịu trách nhiệm về thanh toán hợp đồng tín dụng đó.
Bị khởi kiện đòi nợ thì có bị kê biên tài sản để trả nợ không?
4. Quy định về việc trả nợ sau ly hôn
Theo quy định thì sau khi ly hôn mối quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng cũng sẽ mặc nhiên bị chấm dứt, tuy nhiên không phải giữa vợ và chồng không còn bất kỳ ràng buộc về nghĩa vụ nào bao gồm cả nghĩa vụ tài chính thanh toán cho các khoản nợ.
Căn cứ vào mục đích vay nợ trong thời kỳ hôn nhân, căn cứ vào các tiêu chí khác như sự thỏa thuận giữa các bên, quy định của pháp luật để làm cơ sở xác định xem đó có phải là khoản nợ chung hay là khoản nợ riêng.
4.1. Trường hợp vợ/chồng vẫn phải cùng nhau chịu trách nhiệm trả nợ:
Trường hợp xác định đó là khoản nợ chung của hai vợ chồng trong kỳ hôn nhân thì căn cứ vào quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đối với các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn sẽ còn hiệu lực sau khi Tòa án giải quyết ly hôn, ngoại trừ trường hợp giữa vợ chồng và bên thứ ba cho vay có thỏa thuận khác về vấn đề này.
Như vậy, kể cả sau khi đã giải quyết thủ tục ly hôn mà hai vợ chồng vẫn còn tồn tại khoản nợ chung thì lúc này bắt buộc cả hai người vẫn phải cùng nhau thực hiện việc trả nợ.
4.2. Trường hợp vợ chồng phải tự mình chịu trách nhiệm trả nợ:
– Trường hợp nếu là khoản nợ riêng thì sau khi giải quyết thủ tục ly hôn giữa vợ và chồng không còn tồn tại nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm trả nợ nữa mà khoản nợ đó của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm chi trả.
– Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được với nhau và Tòa án ấn định việc trả nợ là nghĩa vụ của một bên được ghi nhận trong các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật.
– Trường hợp hai vợ chồng tự thỏa thuận được với nhau hoặc vợ chồng thỏa thuận với người thứ ba về việc nghĩa vụ thanh toán cho khoản nợ thuộc về một người. Nếu thuộc trường hợp này các bên nên có văn bản thỏa thuận và thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực chữ ký trong văn bản thỏa thuận đó để đảm bảo tính pháp lý và tránh phát sinh tranh chấp sau này.
Như vậy ta có thể thấy việc xác định nghĩa vụ trả nợ do một bên vợ hoặc chồng thực hiện hay do cả hai vợ chồng liên đới chịu trách nhiệm sẽ do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể căn cứ vào mục đích của việc sử dụng nguồn tiền vay, vay trong thời kỳ hôn nhân hay trước thời kỳ hôn nhân, chủ thể đứng ra thực hiện giao dịch dân sự, sự thỏa thuận của các bên hay dựa trên những quy định của pháp luật. Từ những quy định nêu trên vợ, chồng nên cân nhắc để xác định xem ai là người có nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay trước khi vay vốn hoặc để tránh phát sinh tranh chấp, tránh trường hợp quyền lợi của bản thân không được đảm bảo một cách triệt để do không nắm vững được các quy định của pháp luật.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam