Khởi kiện công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37595

Câu hỏi:

Nội dung khởi kiện như sau: Ngày 01 tháng 11 năm 2015 tôi bắt đầu làm việc cho Công ty TNHH Tập Đoàn Quốc Tế Runlong – Hậu Giang (Việt Nam), công việc là Nhân Viên Kinh Doanh. Tôi được Công ty bố trí làm việc tại TP. Hồ Chí Minh ở địa chỉ 165 Phan Anh, quận Bình Tân. Tôi kí loại hợp đồng thử việc ngày 30 tháng 10 năm 2015. Thử việc từ ngày 01 tháng 11 năm 2015 đến ngày 31 tháng 01 năm 2016. Địa điểm làm việc TP. HCM. Sau khi kết thúc Hợp Đồng Thử Việc ngày 31 tháng 01 năm 2016 đến nay Công ty vẫn chưa kí kết hợp đồng chính thức cho tôi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc cho Công ty bình thường cho đến ngày 27 tháng 06 năm 2016 thì đột ngột Công ty cho tôi nghỉ việc mà không có lí do gì, không có quyết định cho thôi việc bằng văn bản mà chỉ nói miệng, không báo trước ngày nào. Trong thời gian làm việc cho Công ty tôi làm việc bình thường chưa từng sai phạm điều gì. Tôi nhận thấy quyết định của Công ty là trái với pháp luật nên ngày 28 tháng 06 năm 2016 tôi làm đơn đề nghị hòa giải gửi UBND Quận Bình Tân – Phòng Lao Động Thương Binh & Xã Hội. Sau khi nhận đơn của tôi thì UBND Quận Bình Tân – Phòng Lao Động Thương Binh & Xã Hội có gửi thư mời vào ngày 30 tháng 06 năm 2016, mời tôi ngày 05 tháng 07 năm 2016 lên UBND Quận Bình Tân – Phòng Lao Động Thương & Xã Hội để giải quyết hòa giải giữa tôi và Công ty, nhưng Công ty không có mặt để giải quyết và hẹn ngày 06 tháng 07 năm 2016 sẽ đến hòa giải. Nhưng ngày 06 tháng 07 năm 2016 Công ty vẫn không đến. Tôi cảm thấy rất bất bình việc Công ty đơn phương cho tôi nghỉ việc mà không có bất cứ lí do gì cũng không đưa ra quyết định bằng văn bản mà chỉ nói miệng và không báo trước cho tôi một ngày nào cả nên nay tôi làm đơn khởi kiện Công ty TNHH Tập Đoàn Quốc Tế Runlong – Hậu Giang (Việt Nam) Văn phòng dại diện ở: 165 Phan Anh, Quận Bình Tân, TP HCM để giành lại quyền lợi hợp pháp của mình. – Lương căn bản của mình là 7 triệu. Như vậy, mình có thể yêu cầu công ty bồi thường cho mình không và số tiền yêu cầu bồi thường là bao nhiêu?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Điều 29 Bộ Luật lao động 2012 quy định như sau:

“Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận”.

Theo đó, về nguyên tắc, sau khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận thì 2 bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thời gian thử việc thì được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại hợp đồng lao động nào và trong thời hạn bao lâu?

Do đó, phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký hợp đồng lao động loại nào, dùng thông tin này làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.

Trong thời gian làm việc nếu công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Trong trường hợp của bạn. Công ty đơn phương cho bạn nghỉ việc mà không có bất cứ lí do gì cũng không đưa ra quyết định bằng văn bản mà chỉ nói miệng và không báo trước cho bạn một ngày nào thì trường hợp này công ty vi phạm pháp luật.

Tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ – CP quy định về phạt vi phạm khi không giao kết hợp đồng lao động như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên…”

Tại Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

Công ty ký kết hợp đồng lao động dưới 6 tháng có được không?

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Theo đó, trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa án để bảo về quyền lợi cho mình. Nghĩa vụ của công ty bạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.