Không chấp hành hình phạt quản chế

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40713

Câu hỏi:

Người bị áp dụng hình phạt quản chế (về tội xâm phạm an ninh quốc gia) tại địa phương nhưng vi phạm rời khỏi địa phương cư trú thì bị xử lý thế nào? ai là người có thẩm quyền xử lý?? Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Với thắc mắc của bạn, Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau: 1. Cơ sở pháp lý: – Luật thi hành án hình sự 2010; – Bộ luật hình sự 1999; – Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP. 2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật thi hành án hình sự 2010;

– Bộ luật hình sự 1999;

– Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP.

2. Luật sư tư vấn:

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật hình sự và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Theo quy định tại Luật thi hành án hình sự 2010, việc tiếp nhận, tổ chức kiểm soát và giáo dục người chấp hành án phạt quản chế tại nơi cư trú sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú. Theo đó, Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận người chấp hành án và hồ sơ thi hành án phạt quản chế; tổ chức kiểm soát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường tại nơi bị quản chế; nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án;

b) Yêu cầu người chấp hành án phạt quản chế cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; triệu tập người bị quản chế trong trường hợp cần thiết; cấp giấy phép cho người chấp hành án đi khỏi nơi bị quản chế theo quy định tại Điều 93 của Luật này;

c) Định kỳ 03 tháng một lần nhận xét quá trình chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

d) Lập hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại cho người chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

đ) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án;

g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định của Luật này.

2. Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, theo điểm đ khoản 1 Điều 90 trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn chấp hành án phạt quản chế tại nơi cư trú có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề người chấp hành án phạt quản chế rời khỏi nơi cư trú, Pháp luật cũng có quy định không quá khắt khe trong vấn đề này, cụ thể, Điều 93 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định cấp giấy phép cho người chấp hành án đi khỏi nơi quản chế như sau:

Điều 93. Giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế

1. Trường hợp có lý do chính đáng, người chấp hành án phạt quản chế có thể được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế. Thẩm quyền cấp giấy phép như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế;

b) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế;

c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.

2. Thời hạn người chấp hành án phạt quản chế được phép đi khỏi nơi quản chế do người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định, nhưng mỗi lần không quá 10 ngày. Trường hợp người chấp hành án phạt quản chế phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.”

Như vậy, trong trường hợp có lý do chính đáng, pháp luật vẫn cho phép người chấp hành án phạt quản chế được đi khỏi địa phương, cụ thể người chấp hành án phạt sẽ được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế, thẩm quyền cấp giấy phép bảo gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh theo các trường hợp trong quy định tại điều trên. Thời hạn người chấp hành án phạt quản chế được phép đi khỏi nơi quản chế cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, mỗi lần tối đa là không quá 10 ngày.  

Còn đối với trường hợp cố tình không chấp hành án phạt thì theo quy định tại Điều 269 Bộ luật hình sự 1999:

Điều 269. Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính 

Người nào cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt tù từ sáu  tháng đến  ba năm.”

Điều 269 Bộ luật hình sự 1999 được hướng dẫn chi tiết tại Điều 8 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP như sau:

8. Về tội “không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính” quy định tại Điều 269 của BLHS

8.1. Bị coi là “cố ý không chấp hành quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính” nếu người bị áp dụng quyết định hành chính có một trong các hành vi sau đây:

a. Không thực hiện quyết định hành chính sau khi đã được giao nhận quyết định hành chính đó theo quy định của pháp luật;

b. Bỏ trốn khỏi nơi cư trú để trốn tránh việc chấp hành quyết định hành chính;

c. Bỏ trốn sau khi đã được đưa vào nơi lưu giữ để đưa đến cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

d. Bỏ trốn sau khi đã được vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc bỏ trốn khỏi nơi quản chế hành chính.

8.2. “Các biện pháp cưỡng chế cần thiết” là những biện pháp được pháp luật cho phép và được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; tổ chức truy tìm bắt lại, lưu giữ đối với các trường hợp bỏ trốn… để buộc những người có hành vi cố ý không chấp hành các quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính phải chấp hành các quyết định đó.

Trường hợp người đang chấp hành quyết định hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính nhưng trong thời gian chấp hành, người đó có những hành vi vi phạm nội quy của cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính và bị xử lý kỷ luật thì những lần bị xử lý kỷ luật đó không được coi là đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo Điều 269 của Bộ luật hình sự.”

Theo đó, đối với các hành vi không thực hiện quyết định hành chính sau khi đã được giao nhận quyết định hành chính đó theo quy định của pháp luật hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú để trốn tránh việc chấp hành quyết định hành chính sẽ bị coi là cố ý không chấp hành quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính. Hành vi không chấp hành được quy định tại Điều 269 Bộ luật hình sự 1999 chỉ cấu thành tội phạm khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không chấp hành. Và trong các trường hợp đó, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 269 Bộ luật hình sự 1999 như trên với mức hình phạt là phạt tù từ sáu  tháng đến  ba năm. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.