Không thông báo về điều kiện tham gia ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30061

Câu hỏi:

Xin giải đáp giúp tôi: Tôi được thôn đề cử tham gia ứng cử viên Hội đồng nhân dân cấp xã trong đợt bầu cử tháng 5/2016 này. Tuy nhiên đến ngày 21/4/2016 vừa rồi, tôi có nhận được thư cảm ơn của UBMT TQ VN cấp xã với nội dung là Tôi đã được sự tín nhiệm của ban công tác mặt trận và cử tri nơi cư trú (vì tôi đã đc lựa chọn trong thôn để gửi ds ứng cử HĐND cấp xã, đã viết đơn và hoàn thiện hồ sơ từ thôn gửi lên xã), tuy nhiên do quy định cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu HĐND xã đã có hạn, nên tại các bước của quy trình hiệp thương ông sẽ không tham gia trong danh sách bầu cử HĐND xã nhiệm kì 2016-2021…. Vì vậy, tôi muốn hỏi như vậy có đúng không? Khi quyết định không cho tôi tham gia trong khi Thôn đã bầu tôi, và không hề hỏi ý kiến hay trao đổi với tôi. Điều này có vi phạm sự hách dịch, quan liêu, cửa quyền của cấp lãnh đạo xã hay không? Nếu tôi không đồng ý Thư này, tôi có được viết đơn kiến nghị hay không? Và ứng cử HĐND xã có yêu cầu cụ thể về trình độ học vấn hay không? Tôi xin trân thành cảm ơn. Hy vọng nhận được sự giúp đỡ của Quý Luật sớm để tôi có thể giải quyết các băn khoăn thắc mắc của mình.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Cở sở pháp luật:

– Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.

Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.

* Nội dung:

Thứ nhất, không có căn cứ để cho rằng việc bác không có tên trong danh sách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là vi phạm pháp luật. Bởi về nguyên tắc, để có danh sách người ứng cử Đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì  đều phải trải qua Hội nghị hiệp thương.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”

Quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã được tiến hành theo ba giai đoạn, cụ thể như sau:

“Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.” (Khoản 3 Điều 50 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015).

 “Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.” (Khoản 2 Điều 51 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015).

  “ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật này.” (khoản 2 Điều 53 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015).

  “Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.”( Khoản 2 Điều 54 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015).

Như vậy có thể thấy rằng, được thôn giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã không đảm bảo chắc chắn bạn có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chính thức bởi có rất nhiều yếu tố được xét đến như: tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, kết quả lấy ý kiến cử tri tại cơ sở và cả yếu tố về cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử như thông tin được đề cập trong thư bác nhận. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra lý do “cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu HĐND xã  có hạn” để không đưa bác vào danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thể xuất phát từ việc trong danh sách người được giới thiệu ứng cử ở thôn, những cá nhân khác nhận được sự đánh giá, tín nhiệm hơn từ cử tri cấp cơ sở hoặc đạt các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tốt hơn bác. Căn cứ vào cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của thôn là có hạn và đã được ấn định sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, thì chỉ những người có điều kiện, đáp ứng được các yêu cầu ở mức cao nhất mới được lựa chọn. vậy nên, bác hoàn toàn có khả năng bị loại ra khỏi danh sách người ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã với lý do về cơ cấu thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã có hạn.

Thứ hai, việc bác không được trao đổi, lấy ý kiến trong quá trình Hiệp thương là đúng với quy định của pháp luật. Bởi thành phần Hội nghị Hiệp thương quy định tại khoản 1 điều 50 bao gồm: “…Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.” Như vậy, với tư cách là người được cấp cơ sở giới thiệu ứng cử Đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, nếu không công tác tại các cơ quan được nêu trên thì bác không được tham gia vào các Hội nghị Hiệp thương. Đồng thời, Hiệp thương là quá trình nhằm lựa chọn những người đủ khả năng, lập danh sách người  ứng cử vậy nên, để đảm bảo tính khách quan thì kết quả Hiệp thương phải dựa trên việc đánh giá những yếu tố đã nêu ở trên và việc lấy ý kiến hay trao đổi thông tin về quá trình, kết quả Hiệp thương với những người được giới thiệu là không được phép.

Thứ ba, điểm e khoản 3 Điều 24 về Ban bầu cử Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;” Vậy nên, nếu bác không đồng ý với kết quả Hiệp thương, bác có thể làm đơn khiếu nại đến Ban bầu cử cấp xã để được giải quyết.

Thứ tư, theo quy định của pháp luật hiện hành, trình độ học vấn không không phải là điều kiện bắt buộc đối với người ứng cử Đại biểu Quốc hộ hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tuy nhiên đây là tiêu chí được khuyến khích trong quá trình Hiệp thương.

 “1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.”

Vậy nên, trình độ học vấn không là yêu cầu bắt buộc của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước luôn có sự ưu tiên đối với những công dân có trình độ học vấn cao khi tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.