Kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32262

Câu hỏi:

Thưa luật sư cho tôi hỏi: Trong trường hợp tôi kinh doanh nhà nghỉ. Công an Thành phố kiểm tra hành chính đột xuất, cơ sở có đầy đủ giấy tờ hoạt động hợp pháp, không vi phạm pháp luật, bảy ngày sau Công an quận tới kiểm tra hành chính tiếp thì tôi tiếp đón như thế nào? Tôi được biết cơ quan quản lý kiểm tra hành chính không quá một lần trên năm. Mà ở đây Công an Thành phố kiểm tra họ không báo cho quận và cơ sở biết, vì thế bảy ngày sau Công an quận kiểm tra lại vẫn nội dung hành chính. Ở đây cho tôi hỏi phải chăng Công an Thành phố và Công an Quận đều đi kiểm tra song song như vậy sao? không có sự kết hợp từ cấp Thành phố xuống địa phương? Tôi xin thành thật cảm ơn?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kinh doanh vụ lưu trú) được quy định tại Phục lục 4 về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014.

Căn cứ Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

“Điều 50. Kiểm tra, thanh tra.

1. Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.”

Về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra theo khoản 3 Điều 50 Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như sau:

“Điều 50. Kiểm tra, thanh tra.

3. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra:

a) Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất;

b) Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các cấp chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cần phải xử lý ngay; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh trên địa bàn do mình quản lý. Sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) cho cơ quan Công an đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh đó;

Theo Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định:

“Điều 8. Kiểm tra việc chấp hành quy định, điều kiện về an ninh, trật tự.

3. Thẩm quyền kiểm tra

a) Chỉ cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh mới được phép kiểm tra định kỳ việc chấp hành các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP và Thông tư này.

b) Các đơn vị nghiệp vụ thuộc các cấp Công an chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở trên địa bàn khi có dấu hiệu vi phạm hoặc phức tạp về an ninh, trật tự, nhưng sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả và hình thức xử lý cho đơn vị Công an đã cấp Giấy chứng nhận.

c) Công an các Cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần phải tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng đơn vị phê duyệt hoặc có chỉ đạo của Công an cấp trên.

d) Cơ quan Công an cấp trên có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an cấp dưới.”

Quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng công trình

Tóm lại, theo quy định nêu trên thì cơ quan Công an có quyền kiểm tra trong các trường hợp:

Trường hợp 1: Cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh mới được phép kiểm tra định kỳ vào quý 4 của năm không cần giấy khám xét, tuy nhiên cần lập biên bản sau khi kiểm tra.

Trường hợp 2: Các đơn vị nghiệp vụ thuộc các cấp Công an chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở trên địa bàn khi có dấu hiệu vi phạm hoặc phức tạp về an ninh, trật tự, nhưng sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả và hình thức xử lý cho đơn vị Công an đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp 3: Công an các Cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần phải tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng đơn vị phê duyệt hoặc có chỉ đạo của Công an cấp trên.

Trường hợp 4: Cơ quan Công an cấp trên có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an cấp dưới.

Như vậy, trong trường nếu cơ quan Công an cấp quận, cơ quan Công an Thành phố thuộc trong các trường hợp trên thì sẽ có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra trong trường hợp này. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.