Kiểm tra hành chính khi không thông báo lưu trú
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật cư trú sửa đổi bổ sung 2013
Thông tư số 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 31/2014/NĐ-CP
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi bổ sung 2013:
1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 024.6294.9155
Vậy trong trường hợp của bạn, khi có người ở địa phương khác đến lưu trú tại nhà, bạn phải có nghĩa vụ thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin cho viêc quản lý công dân theo Điều 21 Thông tư số 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 31/2014/NĐ-CP:
Điều 21. Lưu trú và thông báo lưu trú
1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm:
a) Đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
b) Thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
Trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.
4. Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương quyết định thêm địa điểm khác để tiếp nhận thông báo lưu trú. Trước 23 giờ hàng ngày, cán bộ tiếp nhận thông báo lưu trú tại các địa điểm ngoài trụ sở Công an xã, phường, thị trấn phải thông tin, báo cáo số liệu kịp thời về Công an xã, phường, thị trấn; những trường hợp đến lưu trú sau 23 giờ thì báo cáo về Công an xã, phường, thị trấn vào sáng ngày hôm sau. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và hướng dẫn cách thông báo lưu trú.
Trong trường hợp này bạn đã không thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan công an xã , phường, thị trấn, do vậy hành vi này là hành vi vi phạm những quy định về quản lý cư trú và có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú;
c) Thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
đ) Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú;
e) Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Làm giả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú;
c) Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả;
d) Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó;
đ) Cá nhân, chủ hộ gia đình cho người khác nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở của mình nhưng không bảo đảm diện tích tối thiểu trên đầu người theo quy định;
e) Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu;
g) Sử dụng hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật để nhập hộ khẩu;
h) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2; Điểm a, b, c Khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2; Điểm a Khoản 3 Điều này;
b) Buộc hủy bỏ thông tin, tài liệu sai sự thật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này;
d) Buộc hủy bỏ hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật để nhập hộ khẩu quy định tại Điểm e, g Khoản 3 Điều này.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam