Mang theo dao găm đi phượt bị xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30398

Câu hỏi:

Xin hỏi luật sư, khi mình đi du lịch cắm trại hay phượt mà trên mình có mang theo dao găm chuyên dụng dùng để sinh hoạt (các loại dao phượt đi rừng) chỉ là con dao ngắn nhỏ thôi nếu bị cảnh sát giao thông hay Công an 113 phát hiện hay khám xét thì có bị tính là sử dụng vũ khí trái phép và có bị tịch thu hay phạt không? Kính mong luật sư giải đáp giúp em.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định: Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.

Khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

"5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."

Như vậy những loại như dao găm mang đi phượt của bạn được coi là vũ khí thô sơ, việc bạn sử dụng, tàng trữ và vận chuyển mà không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Hiện nay, theo hướng dẫn Nghị quyết 144/2016/QH13, Bộ luật hình sự 2015 lùi hiệu lực thi hành, nay vẫn áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999.

Nếu trước đây bạn đã bị xử phạt hành chính hoặc từng bị kết án về tội này chưa được xóa án tích thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí  thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ  theo quy định tại Điều 233 Bộ luật hình sự 1999: 

"1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c)  Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

Xử phạt hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ không có giấy phép

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ  một năm đến năm năm."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.