Mất liên lạc bao lâu thì là mất tích? Mất tích bao lâu thì được báo công an?

Ngày gửi: 14/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42155

Câu hỏi:

Mất liên lạc bao lâu thì là mất tích? Mất tích bao lâu thì được báo công an? Thủ tục báo tin người mất tích. Thủ tục tuyên bố một người mất tích theo quy định.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Việc mất tích sẽ được xác định dựa trên thời gian mà một người biệt tích, không có bất kỳ thông tin gì và không còn liên lạc với bất kỳ người thân thích nào. Khi không liên lạc được với người thân của mình thì mọi người thường hay lựa chọn phương án là thông báo với cơ quan công an. Tuy nhiên việc xác định mất liên lạc bao lâu là mất tích cũng như mất tích bao lâu thì được trình báo với cơ quan công an thì nhiều người chưa nắm được quy định này. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam căn cứ các quy định của pháp luật xin giải đáp vấn đề này như sau:

1. Điều kiện, căn cứ xác định một người là mất tích

Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì một người bị Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền tuyên bố là mất tích khi đảm bảo điều kiện như sau:

Sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp về việc thông báo và tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng người đó biệt tích từ 02 năm liền trở lên vẫn không nhận được các tin tức xác thực về việc người đó hiện nay đang còn sống hay đã chết thì Tòa án sẽ tuyên bố người đó mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.

Trong đó thời hạn biệt tích 02 năm được tính từ ngày mọi người nhận được tin tức cuối cùng về người đó; còn nếu không xác định được ngày nhận được tin tức cuối cùng thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo sau tháng có tin tức cuối cùng; trường hợp không xác định được cả ngày và tháng có tin tức cuối cùng của một người thì thời hạn này sẽ được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Quy định về việc mất tích bao lâu được báo công an

– Theo quy định tại Điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2018 nêu rõ chức năng của công an nhân dân là:

Bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, quyền dân chủ của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các cá nhân, cơ quan, tổ chức,…

Bảo đảm về trật tự, an toàn xã hội, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Do đó, khi bị mất tin tức, mất liên lạc của người thân, mọi người có thể ngay lập tức thông báo vấn đề này với công an có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng nhằm nhanh chóng tìm được thông tin của người thân.

Đồng thời theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì sau khi các cá nhân, tổ chức phát hiện một số hành vi có dấu hiệu của tội phạm hoặc nếu có các thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể tố cáo, trình báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Cũng theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì mọi tin báo, tố giác về tội phạm đều sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận một cách đầy đủ và được giải quyết kịp thời, không được quyền từ chối tiếp nhận.

Như vậy, hiện nay pháp luật không có quy định nào về khoảng thời gian nhất định nào đó mà không có tin tức của người thân thì mới được báo công an. Ngay sau khi nhận thấy việc mất tích của người thân là có dấu hiệu tội phạm hoặc bản thân gia đình không thể tìm kiếm được người thân thì nên chủ động báo càng sớm càng tốt để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng điều tra, tìm kiếm, xác minh sự việc. Nếu có bằng chứng hoặc đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ việc thì nên nộp kèm theo sẽ thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm, xử lý.

– Đối với Công an xã, phường, thị trấn: Thực hiện việc tiếp nhận tin báo, lập biên bản về sự việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, tiến hành lấy lời khai ban đầu của gia đình, người làm chứng và chuyển thông tin tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

– Cơ quan điều tra có thẩm quyền sau khi nhận được hồ sẽ tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

4. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó

Sau khi xác định được một người đã biệt tích 06 tháng liên tiếp trở lên thì lúc này những người có quyền và lợi ích liên quan sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ban hành thông báo về việc tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và đồng thời họ có thể yêu cầu Tòa án tiến hành áp dụng biện pháp về quản lý tài sản của người vắng mặt đó tại nơi cư trú của họ theo quy định.

5. Các quy định về việc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích

5.1. Người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích:

Người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích là những người có quyền và lợi ích liên quan đến người mất tích, ví dụ như vợ, chồng, cha, mẹ, con,…

5.2. Thẩm quyền tuyên bố một người là mất tích:

Theo quy định thì Tòa án nhân dân nơi cư trú cuối cùng của một người bị yêu cầu thông báo về việc tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, Tòa án nơi một người bị yêu cầu tuyên bố mất tích sẽ có thẩm quyền giải quyết việc người có liên quan yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó và giải quyết việc yêu cầu tuyên bố một là người mất tích. Nơi cư trú bao gồm nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú của người đó.

Việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân trước đây đã ban hành quyết định tuyên bố một người là mất tích.

5.4. Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích:

Bước 1, chuẩn bị hồ sơ:

Người có quyền, lợi ích liên quan được xác định là những người có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện việc tuyên bố một người mất tích tiến hành chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (về việc tuyên bố một người mất tích);

Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu của các đương sự;

Các tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên yêu cầu là người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích (ví dụ giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, liên quan về mặt tài sản với người mất tích);

Các bằng chứng, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là người hiện nay đã biệt tích từ hai năm liên tiếp trở lên và mọi người không nhận được bất kỳ thông tin nào xác thực về việc người đó còn sống hay là đã chết.

Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người yêu cầu đã tiến hành áp dụng tất cả các biện pháp để thông báo tìm kiếm hoặc bản sao Quyết định của Tòa án về việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

Danh sách những người thừa kế theo pháp luật của người bị yêu cầu tuyên bố là mất tích và bản sao giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn hoặc các chứng cứ để chứng minh những những người này là người thừa kế của người bị tuyên bố mất tích (trong trường hợp người thừa kế đã chết trước thì tiến hành kê khai tiếp những người thừa kế theo pháp luật của người đã chết này).

Bước 2, nộp, tiếp nhận và thụ lý hồ sơ:

Người yêu cầu sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ các tài liệu nêu trên thì nộp cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định.

Cán bộ tiếp nhận của Tòa án tiến hành kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ tiếp nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền thực hiện. Nếu hồ sơ còn thiếu soát cần hoàn thiện thì hướng dẫn người yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và nộp bổ sung.

Trường hợp Tòa án nhận thấy có đủ cơ sở để thụ lý theo quy định thì ra thông báo về việc giải quyết vụ việc, trường hợp không thụ lý thì ban hành văn bản từ chối trong đó nêu rõ lý do, căn cứ không thụ lý.

Bước 3, ban hành thông báo tìm kiếm người mất tích:

Việc ban hành quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích được Tòa án thực hiện trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

Thông báo tìm kiếm người mất tích này sẽ được phát hành thông qua các hình thức như sau: phát sóng thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương 03 lần trong vòng 03 ngày liên tiếp; đăng tải thông tin trên một trong các báo ra hàng ngày của trung ương trong vòng 03 số phát hành liên tiếp; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có).

Thời hạn của việc ra thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng được tính kể từ ngày các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên đăng, phát hành thông báo lần đầu tiên.

Bước 4, đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc mở phiên họp xét đơn yêu cầu:

Sau khi thông báo tìm kiếm người mất tích nếu trong thời hạn thông báo mà người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và có yêu cầu Tòa án về việc ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố mất tích thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

Nếu trong thời gian thông báo tìm kiếm mà người mất tích không trở về thì trong thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm người mất tích theo quy định nêu trên thì Tòa án tiến hành mở phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.