Mẹ bỏ con, cha đăng ký khai sinh cho con như thế nào?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Tôi và vợ không đăng ký kết hôn. Vợ sinh đứa trẻ ra và bỏ đi từ đó tới nay. Hiện bé được 5 tuổi mà chưa có Giấy khai sinh. Tôi đăng ký khai sinh cho cháu nhưng Cán bộ Hộ tịch từ chối và nói tôi phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh cha con. Xin hỏi cán bộ hộ tịch nói vậy đúng hay sai? Có nhất định phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh không vì hàng xóm ai cũng biết đứa trẻ là con tôi, do tôi nuôi từ nhỏ đến lớn?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Bạn có thể đăng ký khai sinh cho trẻ theo diện trẻ bị bỏ rơi hoặc thực hiện thủ tục nhận cha cho con, sau đó thực hiện đăng ký khai sinh. Việc thực hiện khai sinh theo diện bị bỏ rơi cần có xác nhận về việc trẻ em bị bỏ rơi của địa phương theo khoản 1 điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên theo lời bạn trình bày thì con bạn đã 5 tuổi, sự việc diễn ra khá lâu nên việc cơ quan địa phương xác nhận là rất khó. Do đó, bạn nên thực hiện khai sinh cho con theo hướng làm thủ tục nhận cha, con. Bạn có thể thực hiện thực hiện đồng thời thủ tục nhận cha cho con và đăng ký khai sinh. Thủ tục này được quy định tại Điều 12 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu)
b) Giấy chứng sinh, trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định.
Hồ sơ nộp tại: UBND cấp xã nơi bạn cư trú
Và Tại khoản 1 điều 13 cùng Thông tư có hướng dẫn về đăng ký khai sinh trong Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Ngoài ra, theo điều 11 thông tư 15 nói trên, có hai cách để chứng minh mối quan hệ cha con như sau:
1/ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2/ Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Như vậy chứng cứ rõ ràng nhất để chứng minh quan hệ cha con giữa bạn và con mình là kết quả xét nghiệm ADN vì nếu chọn cách chứng minh thứ hai, mặc dù bạn không liên lạc được với người mẹ nên không cần phải có văn bản cam đoan của người mẹ về việc đứa trẻ là con chung của hai người. Tuy nhiên việc chứng minh bằng thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác rất khó xác định. Do vậy cán bộ hộ tịch hướng dẫn bạn đi làm xét nghiệm ADN để làm thủ tục nhận cha cho con đồng thời làm căn cứ để khai sinh cho con là đúng với quy định của pháp luật cũng là phương án tốt nhất, dễ thực hiện nhất.
Trường hợp bạn không muốn làm xét nghiệm ADN thì có thể chuẩn bị các chứng cứ khác như hình ảnh, thư từ, băng đĩa… để chứng minh theo cách thứ hai.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam