Mẹ đã từng chịu án con có được vào Đảng không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32080

Câu hỏi:

Mẹ tôi phải chịu án phạt 7 năm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và nay đã chấp hành xong án từ tháng 10 năm 2014. Như vậy bây giờ tôi có được vào đảng không ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ vào Mục 3, Điểm 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 05/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng  quy định về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng:

 “ a, Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :

– Người vào Đảng.

– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

b) Nội dung thẩm tra

– Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

– Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”.

Như vậy, khi xem xét vào Đảng, ngoài bạn thì cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của bạn cũng sẽ là những người cần phải thẩm tra lý lịch về vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay cũng như việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại Khoản 2, Điều 2 quy định người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều sau đây thì không được kết nạp: 

Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng: 

– Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, công tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.

– Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.

Trường hợp đặc biệt, người xin vào Đảng có quan hệ gia đình như nói trên nhưng từ khi tham gia công tác đến nay có thành tích xuất sắc, thực sự giác ngộ lý tưởng của Đảng, tỏ rõ thái độ kiên quyết phản đối sai phạm, tội ác của người thân, được cấp ủy có thẩm quyền thẩm tra, kết luận, nếu có đủ tiêu chuẩn thì vẫn kết nạp vào Đảng, nhưng phải được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý.

– Đang làm tình báo, gián điệp hoặc làm việc cho các “trung tâm” phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch dưới mọi hình thức.

– Có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

– Đang bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia; đang bị phạt tù về tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

– Là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đản Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoặc không rõ lai lịch chính trị.

– Đang làm việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Như vậy, trong trường hợp này, khi mẹ bạn đã chấp hành xong hình phạt tù đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết nạp Đảng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 65 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

“Điều 65. Xoá án tích theo quyết định của Toà án

1. Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

b) Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

c) Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.”.

Khi mẹ bạn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc vào Điều 139 Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 với mức phạt tù là bảy năm nếu không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án thì hết thời hạn đó thì Tòa án  xem xét về nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của mẹ bạn và sẽ ra quyết định xóa án tích cho mẹ bạn.

 Như vậy, như thông tin bạn đã cung cấp, mẹ bạn mới chỉ chấp hành xong hình phạt tù từ tháng 10 năm 2014 có nghĩa là đến nay mới gần được hai năm, vì vậy, mẹ bạn vẫn chưa được Tòa án xem xét để xóa án tích. Cho nên, tuy không thuộc các trường hợp không được kết nạp Đảng nhưng khi thẩm tra lý lịch của mẹ bạn về vấn đề chấp hành pháp luật của Nhà nước mà mẹ bạn chưa được xóa án tích thì đây là một tình tiết bất lợi cho việc bạn kết nạp vào Đảng và có thể bạn sẽ không được kết nạp vào Đảng trong trường hợp này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.