Mượn tài sản sau đó bán rồi bỏ trốn có xử lý hình sự?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41569

Câu hỏi:

Em cho bạn mượn xe, rồi bạn đem xe của em đi cầm hứa mấy ngày nữa sẽ chuộc lại. Thời gian sau em hỏi lại thì bạn lại nói bạn đã bán xe, nhưng xe này do chị em đứng tên. Em xin hỏi em có kiện được cũng như có đòi lại được xe không. Bởi vì em biết bạn cầm cố xe nhưng đến lúc bạn ấy bán rồi trốn tránh em mới yêu cầu em có bị coi là đồng phạm chiếm đoạt tài sản của chị em không? Và nếu có em bị phạt thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 140 của Bộ Luật hình sự 1999 đã được bổ sung thêm tại Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 đã quy định như sau về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản :

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

a,  Có tổ chức;

b, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c, Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d, Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ, Tái phạm nguy hiểm;

e, Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

b,  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a,  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b, Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.

Thế nào là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản?

Trước hết, ta nhận thấy người bạn của bạn có những hành vi đáp ứng được những yêu cầu trong cấu thành tội phạm tại Điều 140. Người này có được chiếc xe máy thông qua một hợp đồng vay mượn tài sản (hợp đồng miệng) nhưng sau đó lại có những hành vi cầm cố, sau đó là bán rồi bỏ trốn. Việc bán tài sản mượn rồi bỏ trốn này thể hiện được tính chất chiếm đoạt của tội phạm.

Do đó, hành vi này có thể bị khởi tố hình sự. Để bảo vệ quyền lợi , bạn có thể gửi đơn tố cáo cùng với các chứng cứ kèm theo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn thư tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 101, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 về tố giác và tin báo về tội phạm

"Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản".

Ngoài ra, về vấn đề của bạn, bạn cho người bạn này của mình mượn xe của chị nhưng không hề biết mục đích chiếm đoạt rồi trốn chạy của người bạn này. Theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 liên quan đến đồng phạm trong vụ án hình sự thì tại Điều 20 đã có quy định như sau:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.

Như vậy, đồng phạm là trường hợp gồm nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chăt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Trường hợp của bạn không thể coi là đồng phạm nên bạn hoàn toàn không hề bị xử phạt liên quan đến hành vi này. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.