Ngân hàng không giảm lãi suất vì Covid 19 - Cố tình làm ngơ một chính sách?
Ban biên tập Hệ thống pháp luật đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ luật sư Lê Huy Hải về việc miễn giảm lãi suất cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra. Ban biên tập xin giới thiệu bài phỏng vấn đến các bạn đọc.
BTV: Thưa thạc sỹ, luật sư Lê Huy Hải, với nhiếu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính gân hàng, xin luật sư cho biết vấn đề lãi suất bên vay (tổ chức, cá nhân) và bên cho vay (tổ chức tín dụng) được quy định như thế nào?
Vấn đề lãi suất thường được quy định trong hợp đồng tín dụng hoặc giấy nhận nợ được ký kết giữa người vay và tổ chức tín dụng.
Mỗi loại hợp đồng vay có mức lãi suất khác nhau, ví dụ vay ngắn hạn khác với vay trung hạn và khác với vay dài hạn.
BTV: Thưa luật sư, như vậy lãi suất có được thay đổi hay không và thay đổi trong trường hợp nào?
Lãi suất có 02 loại, lãi suất cố định thường áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn và ổn định trong suốt thời gian vay. Lãi suất linh hoạt hay còn gọi lãi suất thả nổi thường áp dụng cho khoản vay trung hạn và dài hạn, lãi suất thả nổi được thay đổi trong quá trình vay, thông thường lãi suất được xác đinh tại thời điểm giải ngân và được thả nổi sau một thời gian nhất định, thông thường bằng lãi suất huy động công với 2%.
Tuy nhiên dịch bệnh Covid 19 là sự kiện bất khả kháng, do vậy năm 2020 Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, năm 2021 Ngân hàng nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Theo đó ngân hàng có trách nhiệm miễn giảm lãi suất cho tổ chức cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 mà không phụ thuộc vào việc quy định lãi suất trong Hợp đồng tín dụng đã ký kết.
BTV: Thưa luật sư, vậy việc miễn giảm lãi suất được ngân hàng thực hiện như thế nào?
Việc miễn giảm lãi suất ở các ngân hàng khác nhau thực hiện không giống nhau, bên cạnh nhiều ngân hàng tích cực, chủ động trong việc thực hiện miễn giảm lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn thì còn có nhiều ngân hàng thiếu chủ động tích cực trong việc miễn giảm lãi suất cho vay đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
BTV: Thưa luật sư, vậy nguyên nhân từ đâu và giải pháp?
Có một số nguyên nhân như sau:
Về phía ngân hàng thì có một số ngân hàng không có thiện chí, thậm chí là không thực hiện việc miễn giảm lãi suất cho tổ chức cá nhân theo quy định, đặc biệt là các ngân hàng thương mại vì nguyên nhân chủ yếu là nếu giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Để không thực hiện việc miễn giảm lãi suất, các ngân hàng thường đưa ra nhiều lý do và quy định thêm các điều kiện về quy trình về hồ sơ để làm nản lòng tổ chức cá nhân vay vốn.
Ví dụ để miễn giảm lãi suất thì ngân hàng sẽ thực hiện việc thẩm định mức độ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đối với các tổ chức cá nhân vay vốn, mà thời điểm giãn cách thì ngân hàng lấy lý do không xuống được doanh nghiệp do đang thực hiện giãn cách.
Bên cạnh đó ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19. Đây là vấn đề phức tạp đối với doanh nghiệp và càng phức tạp hơn đối với các cá nhân vay vốn, vì để cung cấp được bộ hồ sơ chứng minh rõ ràng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là điều vô cùng khó khăn, bên cạnh đó lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên cho vay.
Về giải pháp tôi thiết nghĩ,
Về phía Ngân hàng nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN theo đó quy định rõ thế nào là bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch bệnh đồng thời quy định rõ hồ sơ, quy trình để tổ chức, cá nhân được miễn, giảm lãi suất.
Về phía người vay vốn nên chủ động chuẩn bị hồ sơ đề nghị ngân hàng miễn giảm lãi suất, ví dụ đối với cá nhân cần chuẩn bị các tài liệu bao gồm: quyết định giãn cách, quyết định phong tỏa của cơ quan nhà nước, quyết định của doanh nghiệp về việc cho nghỉ việc, giãn việc, tạm ngừng việc vì dịch bệnh Covid 19 và các tài liệu liên quan để chứng minh thực sự gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid 19 dẫn đến nguồn thu nhập bị giảm sút.
Đối với doanh nghiệp ngoài các tài liệu nêu trên cần cung cấp thêm các hợp đồng, các biên bản thanh lý hoặc chấm dứt hợp đồng do dịch bệnh Covid 19.
Về phía tổ chức tín dụng, tôi thiết nghĩ việc quan trọng là nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Chính phủ về việc miễn giảm lãi suất cho tổ chức cá nhân vay vốn, hành động này không chỉ tuân thủ quy định của nhà nước mà đây là khách hàng, là nguồn thu của tổ chức tín dụng, cần biết nuôi dưỡng nguồn thu và chia sẻ với tổ chức cá nhân vay vốn trong thời kỳ gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid 19.
BTV: Xin chân thành cảm ơn luật sư về buổi trao đổi hữu ích!
Ban biên tập Hệ thống pháp luật