Người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì khi bị tai nạn lao động nặng?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD153

Câu hỏi:

Thưa luật sư, luật sư có thể tư vấn giúp cháu trường hợp này : chồng cháu bị tai nạn lao động khi đang làm việc trong giờ làm việc ở công ty . khi chồng cháu bị tai nạn lao động thì công ty đã đưa chồng cháu đi cấp cứu và đóng tiền cọc viện 2 lần lần đầu là 1 triệu rưỡi lần 2 là 5 triệu và tổng giám đốc có đến thăm và đưa thêm 7 triệu tiền bồi dưỡng. đại diện công ty có nói là sẽ lo tất cả tiền thuốc và viện phí nhưng tất cả đều phải có hóa đơn , nhưng không phải cái gì cũng có hóa đơn ví dụ như tiền phòng tự nguyện ...Như vậy trường hợp của chồng cháu sẽ được hưởng những quyền lợi gì . Cháu muốn làm bảo hiểm về tai nạn lao động nhưng khi chồng cháu xảy ra tai nạn thì không có biên bản sự việc xảy ra mong luật sư tư vấn giúp cháu ạ. Nói thêm về tình trạng của chồng cháu: chồng cháu làm công việc bảo trì các thiết bị trong công ty , trong khi đang cắt miếng gỗ để ghép vào bàn thì bị máy cưa văng vào bụng gây đứt ruột non, đứt dây treo ruột, thủng đại tràng ,rách màng gan và bị cắt vào 1 chiếc sương sườn đưa vào viện trong tình trạng mất máu nhiều và lòi ruột ra ngoài . hiện nay chồng cháu đã được điều trị ổn định và được cho ra viện vào ngày 6/11 . Mong sớm nhận được phản hồi của luật sư ạ.

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất: Về quyền lợi của NLĐ khi bị tai nạn lao động.

Điều 142. Tai nạn lao động.
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
Theo đó, chồng của chị sẽ được hưởng các quyền theo quy định tại Điều 144, 145 Bộ Luật lao động năm 2012.
Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, khi bị tại nạn lao động chồng chị sẽ được người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả nếu chồng chị tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định nếu chồng chị không tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời chồng chị vẫn sẽ được trả lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị. Ngoài ra nếu chồng chị tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau :

Trợ cấp một lần:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%.

Trợ cấp hàng tháng:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

Trợ cấp phục vụ:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù 2 mắt hoặc cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần.

Trong trường hợp em chị không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho thì người sử dụng lao động sẽ trả các khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Thứ hai: Thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm lao động
Bước 1. Người lao động nộp giấy ra viện sau khi điều trị tai nạn lao động cho người sử dụng lao động để lập hồ sơ giới thiệu người lao động ra Hội đồng giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Bước 2. Người sử dụng lao động lập hồ sơ và làm văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động gửi tổ chức BHXH giải quyết
Bước 3. Tổ chức BHXH xét duyệt và chi trả chế độ cho người lao động
Hồ sơ bao gồm:
1 . Sổ bảo hiểm xã hội;
2. Biên bản điều tra tai nạn lao động;
3. Giấy ra viện sau khi đã được điều trị tai nạn lao động;
4. Biên bản giám định mức suy giảm của Hội đồng giám định y khoa;
5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.