Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam?

Ngày gửi: 15/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38726

Câu hỏi:

Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam? Trường hợp sử dụng người lao động nước ngoài không có bằng cấp có vi phạm pháp luật?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hiện nay việc mở rộng nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, theo đó người nước ngoài vào Việt Nam lao động cũng ngày càng tăng theo. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người nước ngoài cũng có thể nhập cảnh vào Việt Nam để lao động mà cần phải đáp ứng những điều kiện, quy định của pháp luật mới được xem là lao động hợp pháp, cụ thể như sau:

1. Điều kiện để người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động năm 2019 thì đối với người nước ngoài tức người có quốc tịch nước ngoài có thể được làm việc tại Việt Nam nếu như người đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:

– Về độ tuổi: là những người từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Về năng lực hành vi dân sự: phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài được quyền lao động, làm việc tại Việt Nam trừ các trường hợp pháp luật quy định làm việc tại Việt Nam mà không cần phải xin giấy phép lao động;

– Tại thời điểm làm việc tại Việt Nam không phải là người đang trong quá trình, thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành các hình phạt hoặc đã chấp hành xong các hình phạt nhưng chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Là người có trình độ về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, có kinh nghiệm làm việc;

– Về sức khỏe: Được xác định là có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Điều kiện của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, sử dụng người lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn được tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài để vào Việt Nam làm việc cho mình thì chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện như sau: 

– Phải tiến hành việc giải trình về nhu cầu sử dụng lao động của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về lao động tại địa phương và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước đó cho phép được sử dụng nguồn lao động từ nước ngoài trước khi tiến hành việc tuyển dụng người lao động nước ngoài để vào làm việc tại Việt Nam. 

– Riêng đối với các nhà thầu phải có trách nhiệm tiến hành kê khai đầy đủ, cụ thể các vị trí việc làm, kinh nghiệm làm việc, trình độ về chuyên môn và kỹ thuật, thời gian làm việc có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài nhằm mục đích thực hiện cho các gói thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời phải nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước đó thì mới có thể tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam cho gói thầu mà mình thực hiện. 

3. Người nước ngoài không có bằng cấp có làm việc được tại Việt Nam

Từ những quy định nêu trên ta có thể thấy điều kiện để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phải có trình độ về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, có kinh nghiệm làm việc và chỉ được sử dụng cho các vị trí công việc về lao động kỹ thuật, điều hành, quản lý và chuyên gia. 

Trong đó theo quy định tại Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì các vị trí công việc được xác định là lao động kỹ thuật, điều hành, quản lý và chuyên gia khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Lao động kỹ thuật là những người đã được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật hoặc về một trong các chuyên ngành khác với thời gian khóa đào tạo ít nhất là 01 năm và phải có từ 03 năm kinh nghiệm làm việc của chuyên ngành mình được đào tạo.

– Giám đốc điều hành được xác định là người đứng đầu và là người trực tiếp điều hành các đơn vị trực thuộc của một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

– Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức. Trong đó người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 được xác định là những người quản lý công ty và những người quản lý doanh nghiệp tư nhân, cụ thể bao gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên hợp danh, các thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch của công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ các chức vụ, chức danh quản lý khác có thẩm quyền đứng ra đại diện, nhân danh, thay mặt công ty giao kết các giao dịch của công ty dựa trên quy định tại Điều lệ của công ty. 

– Chuyên gia là người lao động nước ngoài được xác định khi đủ các điều kiện sau:

Về kinh nghiệm thực tế thì yêu cầu phải có từ 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành của mình được đào tạo và công việc đã làm phải phù hợp với vị trí công việc, vị trí việc làm dự kiến làm việc tại Việt Nam. Đối với một số trường hợp đặc biệt thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Có văn bản xác nhận chứng minh là chuyên gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài. 

Như vậy ta có thể thấy theo quy định của Bộ luật lao động thì không có bất cứ điều khoản nào ghi rõ phải là người có bằng cấp thì mới được lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên từ những điều kiện yêu cầu đối với người lao động nước ngoài và cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì bằng cấp của người nước ngoài chính là cơ sở để chứng minh họ là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt theo quy định hướng dẫn tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP nêu trên thì người lao động nước ngoài vào Việt Nam mà là chuyên gia, lao động kỹ thuật thì bắt buộc phải có bằng cấp theo quy định.

4. Những trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Giấy phép lao động là một loại văn bản ghi nhận sự chấp thuận người nước ngoài được vào làm việc tại Việt Nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được cấp giấy phép lao động. Dưới đây là những đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định:

– Những người là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc là thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty cổ phần mà công ty đó có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

– Những người hiện là chủ sở hữu hoặc là thành viên góp vốn của công ty dưới loại hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai thành viên trở lên mà phần vốn góp có giá trị nhất định theo quy định của Chính phủ.

– Những trường hợp dựa trên các quy định của những điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghi thức kết hôn, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

– Những người là Trưởng của các văn phòng đại diện, đứng đầu dự án hoặc những người chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế nước ngoài tại Việt Nam.

– Là luật sư người nước ngoài mà theo quy định của Luật Luật sư người này đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam.

– Những người nhập cảnh vào Việt Nam nhằm mục đích thực hiện việc chào bán dịch vụ, xử lý các tình huống kỹ thuật, sự cố, xử lý về công nghệ phức tạp phát sinh gây hậu quả ảnh hưởng hoặc có nguy cơ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà các chuyên gia Việt Nam hoặc các chuyên gia nước ngoài khác hiện đang ở tại Việt Nam không thể xử lý được với thời gian lưu trú lại Việt Nam dưới 03 tháng. 

– Người nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam và hiện nay đang sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Các trường hợp nhập cảnh khác theo quy định của Chính phủ.

5. Các quy định của pháp luật về giấy phép lao động

5.1. Thời hạn của giấy phép lao động:

Thời hạn của giấy phép lao động theo quy định của luật thì tối đa là 02 năm. Trong trường hợp người nước ngoài có nhu cầu gia hạn thời hạn của giấy phép lao động thì mỗi người chỉ được gia hạn 01 lần với thời hạn gia hạn tối đa là 02 năm.

5.2. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực:

Có thể xin miễn thị thực cho chồng là người nước ngoài tại Việt Nam?

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì giấy phép lao động sẽ mặc nhiên hết hiệu lực:

– Thời hạn của giấy phép lao động đã hết.

– Người nước ngoài làm việc không đúng so với những nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

– Hợp đồng lao động có những nội dung, điều khoản không đúng, trái với những nội dung, điều khoản của giấy phép lao động đã được cấp cho người nước ngoài.

– Phía nước ngoài có văn bản thông báo gửi đến phía Việt Nam với nội dung về việc dừng hoạt động cử lao động là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

– Khi các bên người lao động là người nước ngoài và người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

– Bên phía cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà thầu, đối tác ở Việt Nam hoặc các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng nguồn lao động là người nước ngoài phá sản, chấm dứt hoạt động.

– Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở, căn cứ phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn thực hiện hoặc chấm dứt.

– Trường hợp giấy phép lao động bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thu hồi theo quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.