Nhặt được ví không trả lại tiền bị xử lý thế nào?

Ngày gửi: 12/03/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41757

Câu hỏi:

Xin luật sư cho em hỏi như thế này ạ: Em có đứa cháu gái đã đi làm rồi, trong 1 lần đi mua sắm ở trung tâm Lottemart có thấy 1 chiếc ví nữ đánh rơi nhưng cháu em lấy nó mà không đưa cho cửa hàng sau khi lấy tiền trong đó khoảng 6tr rồi vứt ở cửa bên ngoài. Sau khi sự việc xảy ra chủ nhân chiếc ví đến trung tâm xem lại camera thì thấy cháu em lấy . Liên hệ với nhà xe thì chủ chiếc ví thấy chiếc xe cháu em đi đã nhờ công an vào cuộc vì chị ấy làm ở viện kiểm sát . Mấy anh công an gọi cháu em bảo phải trả lại giấy tờ nhưng cháu em chỉ lấy tiền thôi còn giấy tờ nó vứt đi không có lấy gì cả. Mấy anh công an cứ điên thoại bảo cháu en phải tìm lại giấy tờ mà cháu em không biết bây giờ phải tìm ở đâu . Đòi lên công ty cháu em làm việc . Thật sự đây là lần đầu tiên nó làm việc này nhà nó cũng khó khăn về kinh tế nữa. Cháu em nói sẽ trả lại số tiền đã lấy nhưng mấy anh công an không chịu cứ phải bắt tìm giấy tờ bằng được . Vậy cho em hỏi cháu em bây giờ phải làm sao và bị xử phạt như thế nào ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1, Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015

Bộ luật hình sự năm 2015

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015

2, Nội dung tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp thì cháu gái của bạn trong một lần đi mua sắm tại trung tâm thương mại thì nhặt được một chiếc ví nữ bị đánh rơi nhưng cháu của bạn đã không đưa lại cho cửa hàng, mà sau khi lấy hết số tiền trong ví thì đã vứt chiếc ví lại. Sau khi chủ nhân chiếc ví biết bị mất ví, nên đã đến trung tâm thương mại để kiểm tra lại camera và phát hiện cháu của bạn lấy. Hiện tại cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, yêu cầu cháu gái của bạn trả lại tiền và tìm lại giấy tờ. Để xác định việc cơ quan công an yêu cầu cháu gái của bạn trả lại giấy tờ trong khi cháu bạn không lấy và trách nhiệm đối với cháu của bạn trong vụ việc này cần xem xét các phương diện sau:

  • Thứ nhất, về việc cơ quan công an yêu cầu cháu gái của bạn tìm lại giấy tờ cho người chủ cái ví.

Dựa theo thông tin thì qua việc kiểm tra camera, chủ nhân của chiếc ví bị mất và cơ quan công an đều xác định được cháu gái của bạn là người đã trực tiếp cầm giữ chiếc ví bị mất và có hành vi lấy vật trong ví ra. Do vậy, khi phát hiện tiền và giấy tờ tùy thân bị mất thì việc thông qua camera, việc mời bạn phối hợp điều tra, xác minh sự việc đồng thời yêu cầu bạn tìm giấy tờ tùy thân cho người chủ nhân chiếc ví là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, mặc dù theo thông tin, bạn chỉ lấy tiền, và vứt bỏ chiếc ví với những giấy tờ tùy thân ở lại, nhưng rõ ràng, thông qua hình ảnh trong camera của trung tâm thương mại, chủ nhân chiếc ví và cơ quan điều tra không thể xác định chính xác cháu gái bạn chỉ lấy tiền, hay lấy cả tiền và giấy từ tùy thân nhưng có thể xác định bạn là người đã tiếp xúc, chạm vào cái ví – nơi cất giữ giấy tờ tùy thân.

Trong trường hợp này, cháu gái của bạn vẫn cần phối hợp với cơ quan điều tra để tìm lại giấy tờ tùy thân đã bị mất. Trong trường hợp không thể tìm lại được giấy tờ tùy thân đã bị mất, và xác định được bạn không lấy những giấy tờ này thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với các giấy tờ tùy thân này. Người có những giấy tờ tùy thân này sẽ liên lạc với những cơ quan cấp các loại giấy tờ tùy thân để làm thủ tục cấp lại.

  • Thứ hai, về trách nhiệm pháp lý mà cháu gái của bạn phải chịu khi lấy đi số tiền trong ví.

Xem xét về trường hợp của bạn thì cháu gái của bạn nhặt được chiếc ví – là tài sản bị đánh rơi . Căn cứ theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì người phát hiện tài sản đánh rơi – cụ thể ở đây là cháu bạn phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Trong trường hợp cháu của bạn không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì cháu gái của bạn phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Cụ thể, trong trường hợp này, cháu của bạn đã nhặt và phát hiện được chiếc ví – tài sản bị đánh rơi, bỏ quên tại trung tâm thương mại. Trong chiếc ví có giấy tờ tùy thân và tiền, và mặc dù không biết rõ về chủ nhân của chiếc ví bị đánh rơi thì thông qua giấy tờ tùy thân có trong ví, cháu gái của bạn vẫn có thể xác nhận được ai là chủ nhân của chiếc ví và có thể thông qua nhiều phương pháp để thực hiện việc tìm và giao nhận lại tài sản bị mất cho chủ nhân của nó.

Tuy nhiên, cháu gái của bạn đã không liên lạc với chủ nhân của chiếc ví, cũng không giao nộp chiếc ví cho quản lý của trung tâm thương mại, hay bộ phận lễ tân, chăm sóc khách hàng để kịp thời thông báo đến cho người bị mất, mà lẳng lặng lấy hết số tiền trong ví và vứt bỏ chiếc ví tại chỗ đánh rơi.

Trong trường hợp này, mặc dù biết rõ tài sản trong ví không thuộc về quyền sở hữu của mình, nhưng vẫn lấy, chiếm giữ trái phép tài sản này thì hành vi của cháu gái bạn được xác định là đang có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Đối với hành vi này, căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015, được bổ sung bởi Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1, Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2, Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015, được bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 được trích dẫn ở trên thì đối với trường hợp mà bạn nêu ra, cháu gái bạn đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, tuy nhiên số tiền bị chiếm giữ trái phép chỉ có giá trị tầm 6 triệu, và không phải là di vật, cổ vật hay vật có giá trị văn hóa, lịch sử, do vậy, trong trường hợp này chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cháu gái bạn. Tuy nhiên cháu gái bạn vẫn phải chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện việc trả lại tài sản cho người bị mất.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.