Những công việc mà phụ nữ không được phép làm, bị cấm làm

Ngày gửi: 04/11/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38800

Câu hỏi:

Những công việc mà phụ nữ không được phép làm, bị cấm làm. Quy định pháp luật cấm phụ nữ không được tham gia lao động.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Pháp luật lao động vẫn luôn khuyến khích tạo điều kiện việc làm cho lao động nữ. Tuy nhiên, không phải công việc nào phụ nữ cũng được làm, đặc biệt là những công việc gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Những công việc không được sử dụng lao động nữ được xác định là những công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, những công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ cũng là những công việc không được sử dụng lao động nữ.

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực lao động

Theo Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ quy định như sau:

1.1 Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm không được sử dụng lao động nữ làm các công việc mà pháp luật quy định là không được sử dụng lao động nữ. Đồng thời, phải rà soát các công việc lao động nữ đang làm dựa theo danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ ban hành kèm theo Thông tư này. Trên cơ sở đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp với sức khỏe của lao động nữ.

Định kỳ 6 tháng và hàng năm cùng với việc sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động thì phải thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động về những công việc không được sử dụng lao động nữ.

1.2 Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động nữ. Tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hàng năm về tình hình thực hiện cùng với báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn.

2. Những công việc không được sử dụng đối với tất cả các lao động nữ

Theo Điều 160 Bộ Luật lao động 2012 quy định về công việc không được sử dụng lao động nữ gồm:

  • Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
  • Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước.
  • Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.

Theo đó, Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH, có các công việc không được sử dụng lao động nữ bởi có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh và nuôi con, bao gồm:

  • Vận hành máy hồ, máy nhuộm các loại, máy văng sấy, máy kiểm bóng, máy phòng co (trừ các máy có chế độ vận hành tự động hóa).
  • Cán ép tấm da lớn, cứng (trừ các máy có chế độ vận hành tự động hóa).
  • Lái máy kéo nông nghiệp có công suất từ 50 mã lực trở lên.
  • Mổ tử thi, liệm, mai táng người chết (trừ điện táng), bốc mồ mả.
  • Trực tiếp đào gốc cây lớn, chặt hạ cây lớn, vận xuất, xeo bắn, bốc xếp gỗ lớn, cưa xẻ thủ công cây gỗ lớn có đường kính lớn hơn 40 cm bằng phương pháp thủ công; cưa cắt cành, tỉa cành ở độ cao trên 5m bằng phương pháp thủ công.
  • Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ 4 atmotphe trở lên (như máy khoan, máy búa).
  • Lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như: máy xúc, máy gạt ủi, xe bánh xích (trừ các máy có hỗ trợ thủy lực).
  • Các công việc sơn, sửa, xây, trát, vệ sinh, trang trí trên mặt ngoài các công trình cao tầng (từ tầng 3 trở lên hoặc ở độ cao trên 12m so với sàn công tác) không có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố.
  • Mò vớt gỗ chìm, cánh kéo gỗ trong âu, triền đưa gỗ lên bờ.
  • Xuôi bè mảng trên sông có nhiều ghềnh thác.
  • Khai thác tổ yến (trừ trường hợp khai thác tổ yến trong các nhà nuôi yến); khai thác phân dơi.
  • Các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch).
  • Công việc gác tàu, trông tàu trong âu, triền đà.
  • Vận hành nồi hơi (trừ việc vận hành tự động, vận hành nồi hơi sử dụng năng lượng là dầu và điện).
  • Lái xe lửa (trừ xe lửa có chế độ vận hành tự động hóa cao, các tàu chạy trong nội đô, tuyến du lịch).
  • Các công việc đóng vỏ tàu (tàu gỗ, tàu sắt), phải mang vác, gá đặt vật gia công nặng 30 kg trở lên.
  • Khảo sát đường sông ở những vùng có thác ghềnh cao, núi sâu nguy hiểm.
  • Vận hành tàu hút bùn; lái cẩu nổi.
  • Lái ôtô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực).
  • Hàn trong thùng kín, hàn ở vị trí có độ cao trên 10m so với mặt sàn công tác.
  • Khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn.
  • Cậy bẩy đá trên núi.
  • Lắp đặt giàn khoan trên biển.
  • Khoan thăm dò giếng dầu và khí.
  • Trực tiếp nấu chảy và rót kim loại nóng chảy ở các lò điện hồ quang từ 0,5 tấn trở lên, lò quy bilo (luyện gang), lò bằng (luyện thép), lò cao;
  • Cán kim loại nóng (trừ kim loại màu);
  • Làm việc theo ca thường xuyên ở giàn khoan trên biển (trừ dịch vụ y tế – xã hội, dịch vụ ăn ở);
  • Lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như: máy xúc, máy gạt ủi, xe bánh xích (trừ các máy có hỗ trợ thủy lực);
  • Các công việc phải mang vác trên 50kg;
  • Khảo sát đường sông ở những vùng có thác ghềnh cao, núi sâu nguy hiểm.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 160 Bộ luật Lao động 2012, các công việc ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ cũng không được sử dụng lao động nữ. Cũng theo Thông tư 26 quy định, cụ thể các công việc không được sử dụng lao động nữ bao gồm:

  • Đổ bê tông dưới nước, thợ lặn;
  • Nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy);
  • Công việc phải thường xuyên ngâm mình dưới nước bẩn thối (từ 4h/ngày, trên 3 ngày/tuần);
  • Đào lò, đào lò giếng;
  • Các công việc trong hầm mỏ (trừ dịch vụ y tế – xã hội và công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ)

3. Những công việc không được sử dụng đối với lao động nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Bộ luật lao động hiện hành quy định Điều 155 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, bao gồm:

(i) Người SDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

(ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn được hưởng đủ lương. Điều 160 quy định những công việc không được sử dụng đối với lao động nữ, bao gồm: Công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ LĐ – TBXH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước; công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ…

Các công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 160 Bộ luật lao động  2012 cụ thể như sau:

Đổ bê tông dưới nước; thợ lặn.

Nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 04 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần).

Đào lò; đào lò giếng; các công việc trong hầm mỏ (trừ dịch vụ y tế – xã hội và các công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân thủ theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ).

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quy định 39 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi gồm: Các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radiô, đài phát thanh, phát hình và trạm vệ tinh viễn thông); trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư.

Làm việc ở lò lên men thuốc lá, thuốc lào, lò sấy điếu thuốc lá; Phá dỡ khuôn đúc; Mang vác nặng trên 20 kg; Công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng; Công việc có tư thế làm việc gò bó, trong không gian chật hẹp có khi phải nằm, cúi, khom… cũng là những công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.áp dụng cho lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo đó, Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH có liệt kê những công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm các công việc sau đây:

  • Các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radiô, đài phát thanh, phát hình và trạm ra đa, trạm vệ tinh viễn thông).
  • Tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ kín và nguồn phóng xạ hở; làm việc và tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ trong các cơ sở hạt nhân; cơ sở chế biến quặng phóng xạ; cơ sở xử lý và quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; cơ sở khai thác quặng có các sản phẩm trung gian hoặc chất thải phóng xạ trên mức miễn trừ; tiếp xúc trực tiếp với dược chất phóng xạ tại các khoa y học hạt nhân hoặc các cơ sở y tế có sử dụng dược chất phóng xạ trong điều trị và khám chữa bệnh.
  • Trực tiếp tiếp xúc (bao gồm: Sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng) với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư như: 1,4 butanediol, dimetansunfonat; 2 Naphtylamin…
  • Trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sữa mẹ, như: Andrin, Antimon, Các hợp chất có chứa lithi…
  • Các công việc tiếp xúc với dung môi hữu cơ như: ngâm tẩm tà vẹt, trải nhũ tương giấy ảnh, in hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy láng mỏng, cán ép nhựa phenol, vận hành nồi đa tụ keo phenol.
  • … Hiện tại, pháp luật lao động hiện hành quy định tất cả gồm có 77 công việc không được sử dụng lao động nữ. Bởi đó là những công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con, ngâm mình dưới nước thường xuyên hay làm việc trong hầm mỏ.

Như vậy, bên cạnh việc quy định tạo điều kiện việc làm cho người lao động, pháp luật lao động Việt Nam còn đưa ra quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng của người lao động, nhất là đối với lao động nữ mà những cơ quan, tổ chức liên quan cần tuân thủ thực hiện.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.