Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, biển số xe sẽ được quản lý dựa trên mã định danh của chủ xe. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại biển số đều áp dụng quy định này.
Để thực hiện quyền giám sát, quản lý người lao động, người sử dụng lao động sẽ ban hành một hệ thống các quy tắc xử sự ràng buộc đối người lao động trong quá trình làm việc, hay còn gọi là nội quy lao động.
Bộ luật Lao động 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, gồm 17 Chương, 220 Điều và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, thay thế Bộ luật Lao động 2012. Bên cạnh những nội dung kế thừa Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động 2019 có một số điểm mới quy định về nội quy lao động đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, bổ sung trách nhiệm về việc ban hành nội quy lao động.
Khoản 1 điều 118 Bộ luật Lao động 2019 : “Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.” Theo đó, trong mọi doanh nghiệp, NSDLĐ đều phải có nội quy lao động và đối với doanh nghiệp sử dụng trên 10 người lao động trở lên thì phải bằng văn bản. Việc mọi doanh nghiệp đều phải có nội quy lao động khiến người lao động sẽ làm việc trong khuân phép nội quy, giúp cho người sử dụng lao động dễ dàng quản lí người lao động và nhà nước cung dễ dàng giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, bổ sung một số nội dung mới về nội quy lao động.
Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm 03 nội dung mới về nội quy lao động tại điểm d, điểm e, điểm i khoản 2 Điều 118, đó là:
“d. Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
e. Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
i. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.”
Ba nội dung mới bắt buộc phải có trong nội quy lao động này đã giúp cho nội dung của nội quy lao động trở nên chặt chẽ hơn và việc áp dụng nội quy lao động để xử lý các hành vi vi phạm sẽ hiệu quả hơn do nội dung quy định chi tiết và rõ ràng.
Thứ ba, về việc tham khảo tổ chức đại diện.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019: “Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.” So với luật cũ, việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động chỉ phải thực hiện khi ban hành nội quy lao động thì pháp luật hiện hành đã quy định chặt chẽ hơn về việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ cở. Quy định này bảo đảm việc bảo vệ chặt chẽ hơn quyền và lợi ích của người lao động trong nội quy.
Quỳnh Anh - BBT. Hệ thống pháp luật Việt Nam