Những điểm mới về đình công trong Bộ luật lao động 2012
Ngày gửi: 15/01/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Bộ luật lao động 2012 được ban hành là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển của pháp luật lao động Việt Nam. Có thể nói, BLLĐ 2012 đã có thay đổi tương đối tổng thể và toàn diện ở tất cả các chế định, nội dung. Một trong những chế định, nội dung có sự thay đổi lớn đó là vấn đề đình công. Đây là nội dung quan trọng và được nhiều người dặc biệt quan tâm, bởi đình công là quyền cơ bản của người lao động và là vũ khí cuối cùng của người lao động để họ tự bảo vệ lợi ích của mình trong điều kiện của nền kinh tế thị trường.Thế nào là đình công thì có nhiều quan điểm khác nhau, có thể hiểu đình công là hiện tượng ngừng việc hoàn toàn, có tổ chức của tập thể lao động nhằm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về kinh tế để buộc NSDLĐ hay một chủ thể khác phải thỏa mãn những yêu sách gắn với lợi ích của tập thể lao động. Vậy sau đây em xin trình bày những điểm mới về đình công trong BLLĐ 2012 so với Luật sửa đổi bổ sung 2006 như sau:
1.BLLĐ năm 2012 chỉ thừa nhận đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Theo Luật sửa đổi bổ sung 2006 quy định: “ Đình công là sự ngừng việc, tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động để giải quyết tranh chấp lao động”, theo đó thì đình công có thể phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
BLLĐ năm 2012 không thừa nhận đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về quyền mà chỉ thừa nhận đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Khoản 2 Điều 192 BLLĐ 2012 quy định: “Việc đình công chỉ được tiến hành đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích”. Có thể thấy sự thay đổi trên là phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp trong trường hợp có sự vi phạm nên có căn cứ để giải quyết, do đó các bên có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết quyền lợi cho mình. Còn tranh chấp về lợi ích là tranh chấp xảy ra trong trường hợp không có sự vi phạm và thông thường là người lao động đòi hỏi quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật hay thỏa thuận trong thỏa ước, quy chế của đơn vị… Vì vậy tranh chấp về lợi ích không thể giải quyết bằng con đường tòa án mà phải để cho người lao động sử dụng biện pháp đấu tranh kinh tế, đó chính là đình công nhằm gây sức ép buộc người sử dụng lao động phải chấp nhận yêu sách của tập thể người lao động. Tuy nhiên pháp luật không khuyến khích người lao động đình công, mà quy định theo hướng đình công là biện pháp cuối cùng mà người lao động có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
2.Về tổ chức lãnh đạo đình công và lấy ý kiến tập thể lao động về đình công
Về tổ chức lãnh đạo đình công: Điều 172a Luật sửa đổi bổ sung 2006 quy định việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức lãnh đạo đình công do đại diện tập thể lao động cử ra và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương. Còn theo BLLĐ 2012 tại Điều 210 thì ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở, đình công phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức lãnh đạo; ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.
Như vậy, BLLĐ 2012 không thừa nhận tư cách của ban đại diện tập thể lao động trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công nhưng lại quy định tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức lãnh đạo đình công. Quy định này nhằm đảm bảo thống nhất với luật công đoàn trong việc xác định công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho tập thể lao động. Nếu như đối với ban chấp hành công đoàn cơ sở, các thành viên của ban chấp hành công đoàn đều là người lao động trong doanh nghiệp nên nhiều khi vì vấn đề việc làm, vì quyền lợi đã không dám đấu tranh cũng như tổ chức đình công chống lại người sử dụng lao động. Còn tổ chức công đoàn cấp trên hoàn toàn không bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên sẽ kiên quyết hơn trong việc tổ chức lãnh đạo tập thể lao động tiến hành đình công.
Về thủ tục lấy ý kiến của tập thể lao động về đình công:
Theo Khoản 1 Điều 174a Luật sửa đổi bổ sung năm 2006 thì việc lấy ý kiến của tập thể lao động về vấn đề đình công được quy định như sau: Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp dưới 300 lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động; Còn đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên thì lấy ý kiến của thành viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, tổ trưởng công đoàn, tổ trưởng sản xuất. Trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng, tổ phó sản xuất. Tại khoản 1 Điều 174b quy định: Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động sẽ ra quyết định đình công khi có ý kiến đồng ý của trên 50% tổng số người lao động đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 lao động hoặc trên 75% số người được lấy ý kiến đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên ( Điều 174a và 174b Luật sửa đổi bổ sung năm 2006).
Qua trên có thể thấy nếu như ở Luật sửa đổi bổ sung có sự phân biệt giữa doanh nghiệp dưới 300 lao động và trên 300 lao động về thủ tục lấy ý kiến và kết quả lấy ý kiến để đình công thì BLLĐ 2012 không có sự phân biệt này mà được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Việc đơn giản hóa thủ tục đình công này đã tạo điều kiện cho tập thể lao động đình công đúng pháp luật.
3.Về đình công bất hợp pháp
Điều 173 Luật sửa đổi bổ sung 2006 quy định về đình công bất hợp pháp có 7 trường hợp sau:
– Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể;
– Không do những người lao động cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành;
– Khi vụ tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết theo quy định của Bộ luật này;
– Không lấy ý kiến người lao động về đình công theo quy định tại Điều 174a hoặc vi phạm các thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 174b của Bộ luật này;
– Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định;
– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công;
Trong khi đó Điều 215 BLLĐ 2012 quy định về đình công bất hợp pháp chỉ gồm 5 trường hợp:
– Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể;
– Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một số người sử dụng lao động đình công;
– Khi vụ tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này;
– Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định;
Điều kiện đình công theo Bộ luật Lao động 2012– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
So với Luật sửa đổi bổ sung 2006 thì BLLĐ 2012 đã không quy định các trường hợp về vi phạm thủ tục tiến hành đình công như việc tổ chức lấy ý kiến tập thể lao động về vấn đề đình công, việc tổ chức và lãnh đạo không tuân theo quy định của pháp luật thì không bị coi là đình công bất hợp pháp. Quy định như trên là hợp lý, tạo điều kiện cho các cuộc đình công trở nên hợp pháp, bởi xuất phát từ thực tế cho thấy các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công khá phức tạp và trên thực tế hầu như là đình công bất hợp pháp, chủ yếu vi phạm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155
Tuy nhiên những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành đình công tuy không bị coi là đình công bất hợp pháp nhưng sẽ bị xử lý theo Điều 222 BLLĐ 2012. Việc quy định như trên là hợp lý bởi vi phạm về trình tự thủ tục đình công là vi phạm về thủ tục hành chính nên cần phải giải quyết một cách nhanh chóng để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, chứ không thể chờ khi tòa án tuyên bố đình công đình công bất hợp pháp thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nên cần phải do chủ tịch ủy ban nhân dân giải quyết.
4.Về việc hoãn hoặc ngừng đình công, đóng cửa tạm thời nơi làm việc
Luật sửa đổi bổ sung năm 2006 quy định việc hoãn hoặc ngừng đình công thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn BLLĐ 2012 tại Điều 221 quy định thẩm quyền này thuộc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Có sự thay đổi về chủ thể như trên là hợp lý, bởi Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người nắm rõ tình hình địa phương nên việc nắm bắt thông tin để quyết định hoãn hay ngừng cuộc đình công sẽ nhanh chóng, phù hợp và chính xác hơn.
Về đóng cửa tạm thời daonh nghiệp thì đây là một quy định hoàn toàn mới của BLLĐ 2012 so với Luật sửa đổi bổ sung 2006. Với quy định về việc cho phép NSDLĐ được quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp trước và trong quá trình đình công đã giải quyết được những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn. Bởi vì khi cuộc đình công diễn ra thì doanh nghiệp khó mà duy trì được hoạt động bình thường do một số đông NLĐ sẽ ngừng việc. Bên cạnh đó thực tế các cuộc đình công cho thấy khi mấu thuẫn đã không thể dung hòa NLĐ sẽ có những hành động có thể gây tổn hại đến tài sản của doanh nghiệp. Như vậy việc cho phép NSDLĐ được đóng cửa tạm thời doanh nghiệp trước và trong cuộc đình công là một quy định hợp lý.
Mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật lao động 2012Tại Điều 216 quy định về việc NSDLĐ phải thông báo cho các cơ quan, tổ chức biết về việc đóng cửa tạm thời doanh nghiệp ít nhất 3 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc. Việc yêu cầu thông báo trước nhằm đảm bảo lợi ích của NLĐ và để các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc đóng cửa doanh nghiệp vào thời điểm đó có hợp lý hay không.
Bên cạnh đó tại Điều 217 quy định về trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc. Theo đó có hai thời điểm NSDLĐ không được đóng cửa tạm thời nơi làm việc đó là trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công và sau khi tập thể lao động ngừng việc đình công. Quy định như trên giúp cho việc xem xét tính hợp pháp đối với việc đóng cửa tạm thời.
5.Về thủ tục giải quyết đình công
Giữa quy định của Luật sửa đổi bổ sung 2006 và BLLĐ 2012 có điểm khác nhau về việc gửi quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đến Viện kiểm sát cùng cấp. Theo đó, khoản 3 Điều 178 Luật sửa đổi bổ sung 2006 quy định: “ Quyết định của Tòa án quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho hai bên tranh chấp. Quyết định của Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định”.
Còn theo Điều 232 BLLĐ 2012 quy định: “ Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được công bố công khai tại Tòa và gửi ngay cho Ban chấp hành công đoàn và NSDLĐ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Tập thể lao động, NSDLĐ có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền khiếu nại theo thủ tục do Bộ luật này quy định”
Như vậy, theo BLLĐ 2012 thì quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, chứ không phải trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định như Luật sửa đổi bổ sung 2006. Quy định trên cho thấy tính kịp thời, nhanh chóng của việc thi hành quyết định của Tòa án, bởi việc ra quyết định công nhận cuộc đình công là hợp pháp hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên tham gia, vì vậy việc yêu cầu tòa án phải gửi ngay cho Viện kiểm sát nhằm đảm bảo quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành và được giám sát một cách chặt chẽ.
Tóm lại, so với Luật sửa đổi bổ sung 2006 thì BLLĐ 2012 có nhiều điểm mới về đình công. Những điểm mới này được quy định theo hướng đưa đình công về đúng bản chất của nó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, giúp cho người lao động tiến hành đình công theo đúng quy định của pháp luật và hợp pháp.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:
– Đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công
– Mối quan hệ giữa tranh chấp lao động và đình công
– Đình công hợp pháp có được nhận lương hay không?
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 024.6294.9155 hoặc gửi thư về địa chỉ email: info@hethongphapluat.com.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:
– Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí
– Tư vấn luật lao động miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam