Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, biển số xe sẽ được quản lý dựa trên mã định danh của chủ xe. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại biển số đều áp dụng quy định này.
Xoay quanh vấn đề chụp ảnh để làm Căn cước công dân có rât nhiều câu hỏi mà người dân đã đặt ra như: Chụp ảnh Căn cước công dân (CCCD) mặc áo gì? Chụp ảnh CCCD có được trang điểm không? Chụp ảnh CCCD có được nhuộm tóc không?...rồi khi chụp ảnh thì có được cười không?...
1. Chụp ảnh làm Căn cước công dân có được trang điểm, nhuộm tóc?
Hiện nay, quy định về ảnh chân dung của công dân trong thẻ Căn cước công dân được quy định cụ thể tại điểm d, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA như sau:
Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính;
Trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân;
Riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc chụp ảnh thẻ Căn cước công dân phải mặc áo gì (chỉ cần trang phục nghiêm túc, lịch sự), không được trang điểm hay không được nhuộm tóc... Tuy nhiên trên thực tế, khi đi chụp ảnh Căn cước công dân nên mặc áo sơ mi sáng màu, tốt nhất là màu trắng, trang điểm nhạt hoặc không trang điểm… để dễ dàng cho việc đối chiếu, nhận diện khi sử dụng Căn cước công dân cho các thủ tục sau này.
2. Chụp ảnh làm Căn cước công dân có được cười?
Như trên đã trình bày theo quy định, khi chụp ảnh làm thẻ Căn cước công dân thì công dân cần có tác phong nghiêm túc, lịch sự. Tuy nhiên, quy định này không đồng nghĩa với việc người dân phải giữ bộ mặt kém tươi tắn trong khi tiến hành chụp ảnh. Người dân có thể mỉm cười nhẹ hoặc giữ nét mặt tươi tỉnh, ảnh thẻ sẽ đẹp hơn nhưng không làm mất đi vẻ lịch sự theo đúng yêu cầu.
3. Nếu ảnh làm Căn cước công dân xấu thì có yêu cầu chụp lại được không?
Cán bộ làm công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân sau khi thu nhận vân tay và chụp ảnh chân dung của công dân, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin phải in Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên (Theo Điểu 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA).
Và theo quy trình này, công dân có quyền kiểm tra và ký xác nhận về vân tay, ảnh của mình... trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân khi đó người dân có thể thỏa thuận với cán bộ tiếp dân, xin chụp lại ảnh nếu cảm thấy không ưng ý. Tuy nhiên, quyền cho phép chụp lại hay không phụ thuộc vào cán bộ làm thủ tục.
Thông thường chỉ trường hợp ảnh thẻ không rõ mặt (nháy mắt, nghiêng đầu), không rõ hai tai hoặc tác phong không lịch sự thì công dân có quyền không xác nhận vào Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân và yêu cầu được chụp lại ảnh. Theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BCA, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin phải tiến hành chụp ảnh lại.
Trên đây là một số giải đáp thắc mắc về các quy định khi chụp ảnh làm thẻ Căn cước công dân.
BBT Hệ thống pháp luật Việt Nam