Nội dung phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng nhập khẩu

Ngày gửi: 12/06/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39720

Câu hỏi:

Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là trị giá giao dịch, đó là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải toán cho những hàng hóa được bán theo nghiệp vụ xuất khẩu cho nước nhập khẩu.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hàng nhập khẩu hiện nay ở Việt Nam được nhắc đến rất nhiều, theo xu hướng phát triển nhanh, hội nhập hóa xã hội ngày càng cần thiết, nhu cầu của con người cũng ngày càng đòi hỏi cao. Ngày xưa, theo xuất phát nguyên thủy của ‘hàng hóa’ và ‘mua bán’ tại Việt Nam và trên thế giới, do chưa phát triển nhiều về giao thông, con người trao đổi với nhau chủ yếu theo chiều hướng hàng xóm, làng xã, quy mô mua bán rất nhỏ.

Ngày nay, giao thông phát triển, đặc biệt đường hàng không và đường thủy, việc nhập khẩu, mua bán với các nước trên thế giới dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều, do đó nhu cầu muốn mua hàng của người dân ngày càng tăng. Nhưng nếu không có những quy chế và giải pháp pháp lý cho quy trình nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam sẽ dẫn đến rất nhiều việc xấu, lạm dụng điều đó để làm những việc sai trái trong kinh doanh thương mại. Việc xác định trị giá hàng hóa khi giao dịch của hàng nhập khẩu cũng là một điều quan trọng. Vậy khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam chúng ta cần xác định trị giá giao dịch của hàng hóa như thế nào? Căn cứ vào đâu để xác định?

1. Khái niệm trị giá hải quan

Theo thông tin căn cứ pháp lý hiện nay tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Theo đó: Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết.

Căn cứ theo quy định tại Điều 86 Luật Hải quan năm 2014. Trị giá hải quan làm cơ sở để tính thuế và thống kê đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán hàng hóa tính đến cửa khẩu, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F).

Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:

– Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn;

– Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan;

– Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan.

2. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành:  Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Giá trị thực tế phải trả được tính áp dụng theo phương pháp quy định nào? Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC, gồm những phương pháp tính sau:

Phương pháp trị giá giao dịch: Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu.

Có thể hiểu phương pháp trị giá giao dịch qua công thức:

Trị giá hải quan = Trị giá giao dịch = giá thực tế thanh toán (giá mua ghi trên hóa đơn) /- Các khoản điều chỉnh (Các khoản người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá Hóa đơn)

Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Bao gồm các khoản sau đây:

  • Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;
  • Các khoản điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC;
  • Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:

          Tiền trả trước, tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải, bảo hiểm hàng hóa;

          Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán (ví dụ như: khoản tiền mà người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách cấn trừ nợ);

– Điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch:

  • Điều kiện 1: Người mua có đầy đủ quyền định đoạt, sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu.
  • Điều kiện 2: Việc bán hàng hay giá cả của hàng hóa không phụ thuộc vào một số điều kiện dẫn đến việc không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá tính thuế.
  • Điều kiện 3: Sau khi bán lại, chuyển nhượng, sử dụng háng hóa người mua không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu mang lại, không kể khoản phải cộng nêu tại điểm e khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC.
  • Điều kiện 4: Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc có nhưng không ảnh hưởng đến trị giá.

– Chứng từ, tài liệu cần cung cấp:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa;
  • Liên quan đến mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch (nếu có);
  • Liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng (nếu có);
  • Liên quan đến các khoản điều chỉnh trừ (nếu có);
  • Chứng từ, tài liệu khác có liên quan đến việc xác định trị giá do người khai hải quan khai báo.

Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt/ tương tự: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các Phương pháp trị giá giao dịch thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt/ tương tự, với điều kiện hàng hóa nhập khẩu giống hệt/ tương tự đã được cơ quan hải quan chấp nhận xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch và có cùng các điều kiện mua bán, điều kiện về thời gian xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

– Chứng từ, tài liệu cần cung cấp:

  • Tờ khai hải quan và tờ khai trị giá (nếu có);
  • Hợp đồng vận tải (nếu điều chỉnh);
  • Hợp đồng bảo hiểm (nếu điều chỉnh);
  • Bảng giá bán hàng của nhà sản xuất (nếu điều chỉnh);
  • Các hồ sơ, chứng từ khác;

Phương pháp trị giá khấu trừ: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các Phương pháp trị giá giao dịch, Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt/ tương tự thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ. trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định bằng trị giá khấu trừ, đó là trị giá được xác định từ đơn giá bán hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự trên thị trường nội địa Việt Nam sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý và lợi nhuận thu được sau khi bán hàng nhập khẩu.

Không áp dụng phương pháp này nếu hàng hóa được lựa chọn để xác định đơn giá bán thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Chưa được bán trên thị trường nội địa Việt Nam hoặc việc bán hàng hóa chưa được hạch toán trên chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam;
  • Có liên quan đến khoản trợ giúp do bất kỳ người nào cung cấp theo quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC:

Phương pháp trị giá tính toán:

Trị giá tính thuế hàng nhập khẩu bao gồm:

  • Chi phí trực tiếp để sản xuất ra hnagf hóa nhập khẩu;
  • Chi phí chung và lợi nhuận phát sinh trong hoạt động bán hàng;
  • Các chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí khác có liên quan đến việc vận tải hàng hóa nhập khẩu;

Phương pháp suy luận: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các Phương pháp trị giá giao dịch, Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt/ tương tự, Phương pháp trị giá khấu trừ, Phương pháp trị giá tính toán thì trị giá hải quan được xác định theo phương pháp suy luận, căn cứ vào các tài liệu, số liệu khách quan, có sẵn tại thời điểm xác định trị giá hải quan.

 3. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan

– Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa.

– Xử lý các trường hợp kiểm tra, xác định trị giá hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan.

– Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.

  • Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định thì thực hiện khai bổ sung theo quy định trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày đến cơ quan hải quan thực hiện tham vấn, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
  • Trường hợp bác bỏ trị giá khai báo:

      cơ quan hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định.

      Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế.

  • Trường hợp có nghi vấn trị giá khai báo: Người khai hải quan phải thực hiện tham vấn nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.

– Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần.

Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Đối với các ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá tính chéo thì xác định theo nguyên tắc tính chéo giữa tỷ giá đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là tỷ giá được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.