Nơi nộp hồ sơ ly hôn

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35394

Câu hỏi:

Tôi đang muốn ly hôn nhưng hộ khẩu của tôi và vợ tôi mỗi người ở một nơi. Vậy chính quyền ở đâu có trách nhiệm làm thủ tục hòa giải cho chúng tôi và tôi phải nộp hồ sơ xin ly hôn ở đâu? Xin cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, về vấn đề hoà giải: đối với mâu thuẫn giữa hai vợ chồng về ly hôn thì bạn có thể lựa chọn hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải ở Toà án nhân dân.

Trong trường hợp bạn lựa chọn hoà giải ở cơ sở thì bạn gửi đơn yêu cầu hoà giải hoặc yêu cầu trực tiếp đến tổ hoà giải nơi bạn đang cư trú. Điều 8 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hoà giải ở cơ sở quy định về thực hiện hoà giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau như sau:

“1. Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.

2. Các hòa giải viên cùng tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.”

Trong trường hợp bạn lựa chọn hoà giải ở Toà án thì sau khi bạn nộp hồ sơ ly hôn và được Toà án thụ lý thì Toà án sẽ triệu tập hoà giải theo thủ tục tố tụng dân sự.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Thứ hai, về nơi nộp hồ sơ ly hôn: Đối với tranh chấp hoặc yêu cầu về hôn nhân và gia đình không có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền theo cấp của Toà án theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ thuộc về thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Toà án cấp huyện).

Còn về thẩm quyền theo lãnh thổ:

– Trường hợp ly hôn đơn phương: Toà án có thẩm quyền là Toà án cấp huyện nơi mà bị đơn cư trú (điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự), có nghĩa là, nếu người gửi đơn yêu cầu ly hôn đơn phương là anh (nguyên đơn) thì Toà án có thẩm quyền là Toà án cấp huyện nơi vợ anh cư trú; nếu người gửi đơn yêu cầu ly hôn đơn phương là vợ anh (nguyên đơn) thì Toà án có thẩm quyền là Toà án cấp huyện nơi mà anh đang cư trú. Tuy nhiên, hai bên có thể thoả thuận bằng văn bản Toà án có thẩm quyền là Toà án nơi mà nguyên đơn cư trú (điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự) và văn bản thoả thuận phải gửi kèm theo hồ sơ ly hôn.

– Trường hợp ly hôn thuận tình: Toà án có thẩm quyền là Toà án cấp huyện nơi một trong hai bên vợ, chồng cư trú (điểm h khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 024.6294.9155 để được giải đáp.

Chuyên viên tư vấn: Bùi Minh Ngọc

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.