Phải làm gì khi người lao động ở nước ngoài bị nợ lương, ngược đãi?
Ngày gửi: 17/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Người Việt Nam đi lao động nước ngoài ở ngày càng gia tăng về số lượng do nhu cầu sử dụng các nước ngày càng tăng. Tuy nhiên cũng tương tụ như người lao động tại Việt Nam, người lao động tại nước ngoài cũng là đối tượng bị yếu thế trong quan hệ lao động, có thể sẽ bị người sử dụng lao động nợ lương hoặc thậm chí là ngược đãi. Sau đây là các cách thức cần phải làm khi người Việt Nam lao động ở nước ngoài bị nợ lương hoặc ngược đãi.
1. Khái niệm người lao động làm việc ở nước ngoài
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là những người hiện đang cư trú tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của pháp luật nước tiếp nhận người lao động và đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
2. Điều kiện để người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài
Theo quy định tại Điều 42 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì những người đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì sẽ có thể đi làm việc tại nước ngoài:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Là những người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình.
– Đáp ứng điều kiện về sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo yêu cầu của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Đã được cấp các văn bằng, chứng chỉ về bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho việc đi làm việc tại nước ngoài;
– Là người có ý thức chấp hành pháp luật, có tư cách đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự tại thời điểm đi nước ngoài làm việc;
– Đảm bảo được các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, trình độ ngoại ngữ và đảm bảo các điều kiện khác theo những yêu cầu của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Việc đi làm việc ở nước ngoài phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động;
– Người lao động không thuộc các trường hợp bị cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh của Việt Nam.
3. Các quyền và nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài
3.1. Quyền của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài
Người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hưởng các quyền lợi sau đây:
– Được quyền biết các thông tin về chính sách, quy định của pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; những quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài; các thông tin về pháp luật, chính sách có liên quan và các phong tục, tập quán của nước nơi tiếp nhận người lao động từ phía doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, tổ chức sự nghiệp đầu tư ra nước ngoài;
– Có thể chuyển tiền công, tiền lương, nguồn thu nhập và tài sản khác của bản thân về nước theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của pháp luật tại nước tiếp nhận người lao động đó;
– Được các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, tổ chức sự nghiệp đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài đứng ra bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, quy định của pháp luật và các thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế trong quá trình làm việc ở nước ngoài;
– Người lao động sẽ được tư vấn, hỗ trợ để có thể thực hiện được các quyền và được hưởng các lợi ích từg Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập của mình;
– Được hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
– Hưởng tiền công, tiền lương, các nguồn thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội, quy định về khám, chữa bệnh và các quyền lợi khác được các bên thỏa thuận trong hợp đồng và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thỏa thuận quốc tế được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ của Việt Nam ký với nước ngoài;
– Có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc là khởi kiện về các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3.2. Nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động sẽ phải đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
– Là người chủ động trong việc học ngoại ngữ, học nghề, nâng cao trình độ và tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do các hành vi vi phạm hợp đồng đã ký của bản thân theo những quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Tham gia các khóa bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về ngôn ngữ, nghề nghiệp, công việc, quy định của pháp luật, phong tục, tập quán của nước ngoài,…trước khi sang nước ngoài làm việc;
– Có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đồng thời cũng phải tôn trọng phong tục, tập quán của nước nơi tiếp nhận người lao động; có tinh thần đoàn kết với người lao động của nước nơi tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác trong qúa trình làm việc;
– Phải thực hiện đúng nội quy lao động tại nơi làm việc; làm việc đúng địa điểm quy định và phải xuất cảnh về nước ngay sau khi Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập chấm dứt theo quy định của pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
– Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo những quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam và tham gia các hình thức bảo hiểm khác theo quy định của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi tiếp nhận người lao động;
– Thực hiện việc đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
4. Cách thức xử lý khi bị nợ lương hoặc ngược đãi
4.1. Thông báo và tìm sự hỗ trợ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:
Hiện nay pháp luật quy định doanh nghiệp dịch vụ phải có trách nhiệm với người lao động trong suốt quá trình làm việc của họ cho tới khi họ về nước. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
– Thực hiện việc quản lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Tiến hành công tác báo cáo và các hoạt động phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài trong việc quản lý và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài;
– Khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn rủi ro, chết, bị người khác hoặc bị người sử dụng lao động xâm hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản và có phát sinh các tranh chấp thì phải phối hợp với bên nước ngoài để giải quyết.
Chính vì vậy, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình như bị nợ lương, bị ngược đãi thì người lao động nên liên hệ với doanh nghiệp dịch vụ đã đưa mình đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết.
4.2. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo:
Nếu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, không hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì người lao động có thể thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
Trong thời hạn 180 ngày kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp dịch vụ không có các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mình, người lao động có quyền thực hiện khiếu nại theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, nếu do ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, địch họa hoặc do những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại này không tính vào thời gian khiếu nại.
Theo quy định tại Điều 17
thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong trường hợp này bao gồm:
– Khi khiếu nại lần đầu: người đứng đầu cơ quan, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi các quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại.
– Khi khiếu nại lần hai: Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn theo quy định khiếu nại không được giải quyết.
4.3. Thực hiện việc khởi kiện:
Trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc quá thời hạn 45 ngày đối với vụ việc phức tạp mà doanh nghiệp dịch vụ không tiến hành giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng đơn khiếu nại thì người lao động ngoài việc có quyền thực hiện việc khiếu nại lần hai tới Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thì còn có thể thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đó đóng trụ sở.
4.4. Liên hệ với đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài:
Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, nếu người lao động bị nợ lương và ngược đãi những vẫn ở nước ngoài và nhận thấy có thể nguy hiểm, ảnh hướng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình thì người lao động có thể chủ động liên hệ, báo cáo trực tiếp với đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại để được bảo vệ một cách tốt nhất.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam