Phân biệt tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp về lợi ích
Ngày gửi: 27/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Tranh chấp lao động tập thể có các loại nào? Tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích khác nhau như thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Trong quá trình lao động thì người sử dụng lao động và người lao động không thể tránh khỏi mâu thuẫn với nhau. Tranh chấp lao động ở đây có thể là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Nói chung tùy thuộc vào mục đích tranh chấp, thì các bên có thể xác định được tranh chấp lao động đó là tranh chấp lao động về quyền hay tranh chấp lao động về lợi ích.
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật lao động năm 2012
2. Nội dung tư vấn
Định nghĩa về tranh chấp lao động tập thể
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012, có thể hiểu: “Tranh chấp lao động tập thể là những mâu thuẫn, xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa tập thể người lao động – tập hợp có tổ chức của người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động hoặc trong một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của người sử dụng lao động với người dử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”. Điều 3 Bộ luật lao động 2012 cũng chỉ rõ tranh chấp lao động tập thể bao gồm hai loại: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012: “Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác”.
Khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động”.
Trên cơ sở hai khái niệm trên, có thể phân biệt hai loại tranh chấp lao động tập thể dựa trên các điểm cơ bản sau đây:
Căn cứ phát sinh tranh chấp lao động tập thể về quyền, lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể về quyền: phát sinh trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động đã được ghi nhận trong các văn bản có liên quan: quy định của Bộ luật lao động; các quy định trong thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác. Có thể hiểu một cách đơn giản là những nội dung được ghi nhận trong các văn bản trên tập thể người lao động và người sử dụng lao động có cách hiểu khác nhau dẫn đến có những cách áp dụng khác nhau tác động tiêu cực đến phía bên kia dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: phát sinh trên cơ sở tập thể người lao động không thỏa mãn với những điều kiện lao động hiện tại của họ, mong muốn xác lập những điều kiện lao động mới tốt hơn. Nói cách khác, tập thể người lao động và người sử dụng lao động phát sinh tranh chấp không trên những quy định đã có mà phát sinh dựa trên tình trạng thực tế. Yêu cầu thêm các điều kiện mới so với các quy định, thỏa thuận đã có trước đó. Đời hỏi quyền về lợi ích của tập thể người lao động đối với người sử dụng lao động.
Nguyên nhân phát sinh tranh chấp
Trong thời gian gần đây các vụ xảy ra tranh chấp về lao động thường xảy ra chủ yếu ở các khu công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu ở đây thường là về vấn đề lương, thưởng, lương tối thiểu vùng cho người lao động chưa được điều chỉnh hợp lý và kịp thời, nhiều doanh nghiệp và người lao động còn xảy ra tranh chấp về tăng ca, …
Tranh chấp lao động tập thể về quyền: phát sinh chủ yếu là do có sự cố ý vi phạm hoặc do các bên có sự hiểu biết sai lệch về nội dung hợp đồng lao động, thoả ước lao, nội quy lao động, quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong doanh nghiệp hay pháp luật lao động mà dẫn đến vi phạm. Khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào nội dung của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động để đưa ra các phán quyết cụ thể nhằm khôi phục, thừa nhận các quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: phát sinh khi không có sự vi phạm pháp luật lao động, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, các thoả thuận hợp pháp khác giữa tập thể các chủ thể có thẩm quyền thường áp dụng phương thức thương lượng, hoà giải để chính các bên tranh chấp tự quyết định về lợi ích của mình.là tranh chấp về những vấn đề hiện chưa được quy định trong pháp luật lao động hiện hành hoặc chưa được các bên ghi nhận trong thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong doanh nghiệp hoặc đã được thoả thuận trong Thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, thoả thuận hợp pháp khác nhưng không còn phù hợp do các yếu tố phát sinh vào thời điểm tranh chấp.
Các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích luôn phát sinh từ những bất đồng giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao trong việc tập thể người lao động yêu cầu người sử dụng lao động cho họ những lời ích mà họ cho rằng mình xứng đáng được hưởng trong quan hệ lao động.Vídụ: tập thể lao động yêu cầu tiền thưởng cuối năm; yêu cầu người sử dụng lao động tăng lương cao hơn mức lương các bên đã thoả thuận.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tranh chấp lao động tập thể về quyền: Ngoài Hoà giải viên lao động còn có hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, bao gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và Toà án nhân dân.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: Ngoài Hoà giải viên lao động còn có Hội đồng trọng tài lao động.
– Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp:
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: không quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại cơ sở
Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật lao động năm 2012. Biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.
Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì thực hiện theo quy định sau đây:
Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
Trong trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 201 của Bộ luật lao động năm 2012 mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích.
Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì tiến hành giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và Điều 205 của Bộ luật lao động năm 2012.Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì hướng dẫn ngay các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
-Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
-Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động:
Trong thời hạn là 07 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam