Phân chia tài sản hết thời hiệu khởi kiện

Ngày gửi: 23/07/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL42188

Câu hỏi:

Kính gửi Công ty Luật. Quý công ty cho tôi được tư vấn vấn đề sau: ông nội tôi đứng tên sở hữu mảnh đất mà ngôi nhà diện tích 106m2 vào năm 1962. Ông nội và bà nội tôi có với nhau 6 người con, đến năm 1993 ông nội tôi qua đời mà không để lại di chúc. Sau đó 2 người con của ông nội tôi cũng qua đời, mãi đến năm 2003 người chị hai và người con thứ 3 có đơn yêu cầu chia thừa kế, do đó buổi hòa giải tại khu vực không thành. nhưng mãi đến nay vẫn chưa có bản án quyết định của tòa án. Như vậy, xin quý công ty vui lòng cho tôi biết là thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết sẽ trở thành tài sản chung. Dù hết thời hiệu về thừa kế nhưng vào năm 2003 cũng đã có đơn yêu chia thừa kế như vậy có thể xem đơn khởi kiện về thừa kế là đơn yêu cầu chia tài sản chung hay không? có phải chị 2 và người con thứ 3 đã hết quyền trong khối tài sản trên. Xin Quí công ty cho tôi biết rõ. Chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 thì:

Ðiều 645 thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau:

“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP

“- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

– Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản. “

Tại thời điểm của gia đình bạn thì chưa xác định cụ thể tòa có thụ lý đơn hay không, giải quyết và tiến hành như thế nào rồi. Nếu trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện mà không phải lý do đình chỉ hay tạm đình chỉ thì tòa sẽ không giải quyết theo chia di sản thừa kế nữa mà sẽ giải quyết theo trường hợp phân chia tài sản chung.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.