Phương pháp giảng dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học có thực sự hiệu quả?
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không chỉ các trường phổ thông, cơ sở mà hầu hết các trường tiểu học ở Việt Nam đều đã điều chỉnh phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, phương pháp này có thực sự hiệu quả và chất lượng như yêu cầu?
Bước sang năm học 2021-2022 toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, vừa qua, ngày 26/8/2021, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Công văn số 3636/BGDĐT- GDTH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm 2021 -2022.
Theo đó, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến cơ sở giáo dục phải phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được BGDĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt, ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng cơ bản. Bên cạnh đó, có phương án giảng dạy phù hợp đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 như: sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có, tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung, thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục tại các địa phương đã và đang áp dụng đào tạo online cho học sinh tiểu học toàn khối. Thực tế cho thấy, đây là phương pháp tối ưu nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, phương pháp này đã đạt được một số hiệu quả nhất định như đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như giáo viên, tiết kiệm chi phí học tập, chi phí đi lại, đào tạo mọi lúc mọi nơi, …Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế khiến phụ huynh, học sinh lo lắng, bất an.
Để đánh giá hiệu quả của việc áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, vừa qua Hệ thống pháp luật Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến của một số giáo viên, cha mẹ học sinh cấp tiểu học. Chị Phạm T.T hiện đang có con học lớp 1 tại hệ thống giáo dục tư thục ở Hà Nội cho biết: “Tôi gửi các con về quê nghỉ hè từ đầu tháng 6 đến nay, giờ dịch bệnh đang căng thẳng nên tôi chưa đón các con lên được, ông bà ở quê thì không rành về công nghệ, đành phải nhờ đứa lớn hỗ trợ học hành cho các em. Tuy nhiên, cháu lớn năm nay học lớp 9 nhiều lúc cũng không thể hỗ trợ được vì còn vướng lịch học của mình, trong khi đó, lớp 1 là thời điểm quan trọng cho việc học vần và các con số, các con không thể tự mình học được”. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại có nỗi lo khác, anh Trần Ngọc M. phụ huynh của cháu K. đang học lớp 1 cho biết: “Vợ chồng tôi đi làm suốt từ sáng đến tối, không có mặt ở nhà nên không thể hỗ trợ con học online. Bé nhỏ nhà tôi năm nay vào lớp 1. Tôi không thể hình dung học sinh lớp 1 học online sẽ như thế nào. Làm sao để bé cầm bút, ngồi học đúng tư thế, ai sẽ gò cho con viết đúng các ô li trong vở theo quy định. Tôi thì không thể dạy con vì tôi không hiểu về chương trình lắm. Nghe nói chương trình mới bây giờ khác hẳn cách học của chúng tôi ngày xưa”. Lãnh đạo một trường tiểu học tại quận Hai Bà Trưng nêu ý kiến: “Học sinh tiểu học không có được ý thức học tập như học sinh THCS, THPT. Nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 lại càng khó vì các em vẫn còn ham chơi, khó tập trung được lâu. Nếu phụ huynh không đồng hành thì trẻ tiểu học không thể học từ xa. Dù dịch bệnh khó khăn, vất vả, nhiều phụ huynh vẫn cố gắng hỗ trợ con em học tập. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con học".
Theo ý kiến của các cấp lãnh đạo từ Bộ đến sở, trường... đều cho rằng, việc học trực tuyến chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi có sự kèm cặp, đồng hành của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng kèm cặp con học như một "giáo viên thứ hai" được. Ngoài ra, việc đầu tư trang thiết bị cho con học trực tuyến cũng là nỗi khổ tâm của không ít gia đình. Nhiều phụ huynh chia sẻ, nhà có 2 con đi học, bố mẹ cũng làm việc trực tuyến nên phải cần tới 4 máy tính. Hơn nữa, có gia đình không đủ điều kiện sắm máy tính cho con học từ xa, chỉ có thể cho con học trên điện thoại di động nhưng màn hình điện thoại quá nhỏ nên hiệu quả học tập cũng bị hạn chế. Thậm chí, nhiều gia đình không có điện thoại thông minh mà chỉ dùng điện thoại dạng “cục gạch” không thể kết nối Internet. Cô Nguyễn C.G. – giáo viên tiểu học trường công lập tại Quận Thanh Xuân cũng cho biết: “Việc dạy học qua Internet cho trẻ tiểu học chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả như dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy có học sinh không thể học qua Internet vì không đủ máy móc để học. Có em có tham gia học nhưng không tiếp thu được bài như yêu cầu. Chưa kể với mùa dịch bệnh này, nhiều phụ huynh mất việc, không có thu nhập, cái ăn còn chưa đủ thì tiền đâu họ lo cho con học online. Khó nhất là với giáo viên lớp 1, lớp 2 khi triển khai chương trình mới. Năm học trước, chúng tôi được dạy trực tiếp mà nhiều phụ huynh còn kêu trời là chương trình quá nặng, con em họ không tiếp thu kịp. Năm nay dạy online thì không biết các bé sẽ như thế nào. Tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HN nên tính toán để sau khi trẻ đi học lại, giáo viên chúng tôi có từ 3 - 4 tuần để ôn tập, củng cố, hỗ trợ những em học sinh yếu, giúp các em đạt được chuẩn kiến thức - kỹ năng. Đừng bắt chúng tôi "chạy" chương trình một cách vội vã, sẽ rất tội cho học sinh.”
Qua cuộc khảo sát trên, cần phải đặt ra câu hỏi: “Liệu phương pháp dạy học từ xa đã thực sự hiệu quả như yêu cầu?”. Để khắc phục các bất cập trên, đòi hỏi sự đồng lòng, phối hợp của toàn thể lãnh đạo, giáo viên các cấp ngành giáo dục cùng sự hỗ trợ tận tâm của các bậc cha mẹ phụ huynh học sinh. Cụ thể như sau:
Trước hết, đối với Bộ Giáo dục và đào tạo cần ban hành khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ việc dạy học trực tuyến được thuận lợi. Ví dụ: quy định rõ ràng về số tiết dạy, thời gian dạy, cách đánh giá, sổ điểm như thế nào, thậm chí có những gợi ý về việc thu học phí (đối với những trường tư), để không có sự tranh cãi như trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, cần quan tâm cụ thể đến đặc thù tình hình kinh tế- xã hội của địa phương mình, qua đó có các kế hoạch, chính sách phù hợp cho việc dạy học trực tuyến. Ví dụ: đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực nông thôn nghèo, điều kiện, trang thiết bị để phục vụ việc học trực tuyến là rất khó khăn, vì vậy cần có các giải pháp cụ thể cho từng khu vực. Cùng với đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần có các bước triển khai đồng bộ, nghiên cứu ban hành các thống nhất các tài liệu, giải pháp, phần mềm áp dụng trong giảng dạy… Đồng thời, cần chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực thực tiễn về công nghệ thông tin cho giáo viên.
Thứ ba, đối với từng trường học, cơ sở giáo dục cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo, cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy online cho phù hợp...
Cuối cùng, lãnh đạo toàn ngành cùng giáo viên, cha mẹ học sinh phải thực hiện nghiêm túc phương pháp dạy học trực tuyến nhằm tích lũy kiến thức cho con em mình đạt được hiệu quả cao nhất, đừng xem nhẹ hay coi dạy học online là một giải pháp tình thế. Đây là một giải pháp thực sự, một kênh dạy và học trong tương lai khi bối cảnh dịch bệnh kéo dài hoặc gặp phải lý do bất chắc nào khác.
Trên đây, là bài viết mang tính tham khảo của Hệ thống pháp luật Việt Nam.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam