Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, biển số xe sẽ được quản lý dựa trên mã định danh của chủ xe. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại biển số đều áp dụng quy định này.
Ngày 10/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định gồm 8 Chương, 47 Điều. trong đó có quy định điều kiện đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, Nghị định quy định doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:
1- Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
2- Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn sau: Có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động, có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
3- Phải bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, hoặc có kiến thức làm giúp việc gia đình và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:
1- Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5, tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5, tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT), hoặc tương đương và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
2- Đối với thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp dịch vụ phải không bị xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc). Còn đối với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022
BBT. Hệ thống pháp luật Việt nam