Quy định về chế bảo trợ xã hội, chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng

Ngày gửi: 27/05/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL34074

Câu hỏi:

Quy định về chế bảo trợ xã hội, chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng? Trợ giúp xã hội là sự giúp đỡ của nhà nước, cộng đồng đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội bằng việc hỗ trợ về vật chất.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trong xã hội hiện nay có các nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ từ phía nhân dân và Nhà nước với mục đích đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người dân, cũng như tránh việc phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp xã hội. Theo đó Nhà nước có các quy định về chế độ trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng này. Nội dung chế độ trợ giúp xã hội được hiểu một cách cụ thể thì sẽ bao gồm hai loại đó là trợ giúp xã hội hàng tháng và trợ giúp xã hội một lần.

Trong đó chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng được hiểu là hình thức cứu trợ mang tính định kì, lặp đi lặp lại theo quy định và được áp dụng đối với đối tượng rơi vào những hoàn cảnh khó khăn kéo dài, hình thức này được đưa ra nhằm thể hiện tính chất nhân đạo và chính sách an sinh xã hội của nhà nước một cách rõ nét, chân thực nhất. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam dựa trên những căn cứ pháp lý, quy định của pháp luật xin trình bày vấn đề xoay quanh quy định của chế độ bảo trợ xã hội, chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng như sau:

I. Căn cứ pháp lý

Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định về những chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội;

Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;

Nghị định 140/2018/NĐ-CP ban hành ngày 08 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính thuộc phạm vi trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với những người được bảo trợ xã hội;

II. Nội dung tư vấn

1. Khái niệm trợ giúp xã hội

– Trợ giúp xã hội được hiểu là những sự giúp đỡ, trợ giúp của cộng đồng, của Nhà nước đến với các đối tượng yếu thế trong xã hội thông qua hình thức hỗ trợ về điều kiện sinh sống, về vật chất để các đối tượng trong diện được trợ giúp có thể phát huy khả năng tự bản thân lo liệu được cuộc sống, vượt qua được những khó khăn, và có thể dần tái hòa nhập vào cộng đồng.

– Chủ thể của trợ giúp xã hội ở đây đó là cộng đồng và Nhà nước. Tuy nhiên thì ở đây pháp luật về an sinh xã hội chỉ điều chỉnh những quan hệ trợ giúp xã hội đối với chủ thể nhà nước, nguồn kinh phí đến từ nguồn trợ giúp từ ngân sách nhà nước cho đối tượng được xác định là được trợ giúp xã hội.

– Đối với chế độ trợ giúp xã hội thì các yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, tình trạng tài sản cũng như những nhu cầu thực tế của đối tượng tại các thời điểm phát sinh nhu cầu trợ cấp được xem là yếu tố cơ bản để quy định về những chế độ hưởng trợ cấp về hình thức cứu trợ xã hội mà không cần thiết phải gắn với bất kì khoản đóng góp về yếu tố vật chất, hay yếu tố tinh thần nào.

2. Mức chuẩn chi trả về trợ cấp, trợ giúp xã hội

– Mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định là 270.000 đồng. Đây là mức chuẩn dùng làm căn cứ đối với mức trợ cấp về nuôi dưỡng, trợ cấp xã hội tại các nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, cũng như là mức chuẩn về các nguồn kinh phí nuôi dưỡng, kinh phí chăm sóc và một số mức trợ giúp xã hội khác.

– Căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương mà chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc trung ương  sẽ quyết định đối với mức trợ cấp nuôi dưỡng, mức trợ cấp xã hội hay về mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc và một số mức trợ giúp xã hội khác được xác định là cao hơn với mức chuẩn đưa ra.

3. Các đối tượng xã hội được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng

– Thứ nhất, trẻ em dưới 16 tuổi mà không có bất kỳ một nguồn nuôi dưỡng nào thuộc một trong số các trường hợp sau đây: trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ; trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ nhưng người còn lại thìmất tích theo quy định của pháp luật dân sự quy định về người được xác định là mất tích; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại đang phải chấp hành án phạt tù tại trại giam, đi cai nghiên tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính tại cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng; bị mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại cũng là người được hưởng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở về bảo trợ xã hội; trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi mà chưa được ai nhận làm con nuôi; trẻ có cả cha lẫn mẹ đều bị mất tích theo quy định của pháp luật dân sự về điều kiện xác định một người mất tích; hoặc cả cha mẹ đang đều được hưởng chế độ trợ giúp xã hội; hoặc một trong hai cha, mẹ bị mất tích theo quy định của pháp luật còn người còn lại lại đang phải chấp hành án phạt tù hoặc đang phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại các cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc hay tại các trường giáo dưỡng; một trong hai người cha hoặc mẹ đang được Nhà nước cho hưởng chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc tại các nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội còn người còn lại thì lại đang trong thời gian chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại những cơ sở trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Thứ hai, trẻ em khuyết tật hay những người bị khuyết tật mà chiếu theo các quy định của pháp luật về người khuyết tật được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng.

– Thứ ba, trẻ em thuộc hộ nghèo bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV, hay người thuộc hộ nghèo không còn đủ khả năng lao động nhưng họ không có lương hưu, không có các khoản trợ cấp xã hội hàng tháng, hay các khoản trợ cấp hàng tháng khác hay các khoản trợ cấp ưu đãi về người có công hàng tháng mà lại bị nhiễm HIV.

– Thứ tư, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 22 tuổi: thuộc một trong các trường hợp như đối với trẻ em dưới 16 tuổi đồng thời đảm bảo thêm điều kiện đó là đang trong thời gian theo học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề hay đang theo học các trường cao đẳng, đại học trừ trường hợp người học văn bằng hai.

– Thứ sáu, hộ nghèo: người thuộc hộ nghèo nhưng không có vợ hoặc không có chồng; có chồng hoặc vợ nhưng họ đã chết, hoặc mất tích theo quy định của pháp luật dân sự về điều kiện tuyên bố một người là đã chết hoặc mất tích mà còn lại đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc con trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 22 tuổi mà người con đó lại đang học nghề, học trung học chuyên nghiệp hoặc đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học (trừ trường hợp theo học dưới dạng văn bằng hai) hoặc đang theo học phổ thông.

4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với đối tượng được trợ giúp xã hội hàng tháng

Những đối tượng được nhận trợ giúp xã hội hàng tháng sẽ được nhận mức trợ cấp tương ứng qua việc nhân các mức hệ số áp dụng với từng đối tượng cụ thể được quy định tại khoản 1, Điều 6 của Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH 2019 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với những người được bảo trợ xã hội.

Trường hợp nếu có những đối tượng mà được các mức hệ số trợ cấp khác nhau thì sẽ lựa chọn mức cao nhất của các mức hệ số mà họ đủ điều kiện được hưởng. Trừ trường hợp đối tượng là người đơn thân nghèo nuôi con mà đồng thời đối tượng này còn là đối tượng quy định tại các khoản 3, 5, 6 của Điều 5 tại Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với những người được bảo trợ xã hội thì ngoài chế độ họ được hưởng đối với quy định mức hưởng của người đơn thân nghèo đang nuôi con thì họ còn được hưởng các chế độ đối với đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5, hoặc khoản 6 Điều 5 Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019.

5. Thành phần hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng

– Hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ bao gồm: Các mẫu tờ khai theo mẫu 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ của Phụ lục số IV ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với những người được bảo trợ xã hội.

– Hồ sơ đề nghị việc hỗ trợ đối với kinh phí về việc chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng sẽ bao gồm: Tờ khai của hộ gia đình mà có người bị khuyết tật theo mẫu số 2a ban hành kèm theo Phụ lục số IV Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019; Tờ khai về việc nhận chăm sóc, nhận nuôi dưỡng đối với đối tượng bảo trợ xã hội có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc họ đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội theo mẫu số 2b Phụ lục IV Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019; và Tờ khai của đối tượng được nhận chăm sóc, nhận nuôi dưỡng trong trường hợp đó là đối tượng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo mẫu quy định tại mẫu số 3 Phụ lục IV Văn bản hợp nhất 762/VBHN-BLĐTBXH năm 2019.

 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.