Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1269/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 12 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI ĐẾN NĂM 2030, GIAI ĐOẠN I TỪ 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 85/QĐ-UBDT ngày 24/02/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 568/TTr-BDT ngày 06/7/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI ĐẾN NĂM 2030, GIAI ĐOẠN I TỪ 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao trách nhiệm của gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc.

2. Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.

3. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học công nghệ.

4. Các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 và lồng ghép với các nội dung, nhiệm vụ, các chính sách dân tộc trên địa bàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

- Đồng bào các dân tộc sinh sống, cư trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp; cán bộ xã, thôn, bản, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể, người có uy tín ở thôn, bản vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

2. Phạm vi: Trên địa bàn các xã, phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Kạn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 90% các gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.

- 90% đồng bào dân tộc thiểu số được truyền thông, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.

- 100% trưởng thôn, người có uy tín ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống được phổ biến nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới.

- 80% đến 90% các địa phương, cơ sở có mô hình về truyền thông, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.

- 100% nam, nữ thanh niên vùng dân tộc thiểu số trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

- 100% các xã, phường, thị trấn xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng dân tộc về xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa ở cơ sở.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt các nội dung của dự án liên quan đến tảo hôn, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

IV. NHIỆM VỤ

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống

1.1. Tuyên truyền trên Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Đài truyền thanh, loa phát thanh của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; Trang/Cổng Thông tin điện tử với các nội dung về nâng cao nhận thức, kiến thức xây dựng hạnh phúc gia đình, gương gia đình tiêu biểu hạnh phúc.

- Hình thức: Chuyên trang, chuyên mục, các tác phẩm bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc (Tày, Mông, Dao…).

- Số lượng: 04 phóng sự/năm.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện.

1.2. Tổ chức tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề về truyền thống gia đình, văn hóa dân tộc, chú trọng giáo dục giá trị gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách con người (tùy tình hình cụ thể từng năm sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp)

- Đối tượng: Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 67 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Số lượng: 02 - 05 buổi/năm.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức thực hiện.

1.3. Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới

- Đối tượng: Học sinh các trường dân tộc nội trú, bán trú, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Số lượng: 02 - 10 cuộc/năm.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, các xã đặc biệt khó khăn và các trường dân tộc nội trú, bán trú, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức tập huấn, hội nghị phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức về bình đẳng giới

- Đối tượng: Cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, xã, thôn, người dân trên địa bàn (cấp xã bao gồm: Bí thư, Chủ tịch, cán bộ được giao làm công tác dân tộc, người có uy tín).

- Số lượng: 02 - 05 lớp/năm (80 người/01 lớp).

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện.

3. Biên soạn, xây dựng tài liệu, lựa chọn nội dung phù hợp xuất bản sổ tay, tờ gấp về công tác gia đình, công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

- Nội dung: Biên soạn tài liệu giới thiệu tóm tắt những nội dung, hướng dẫn chi tiết, hỏi đáp pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và các văn bản thực hiện chính sách mới có liên quan; biên soạn tờ gấp, áp phích tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, hưởng ứng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đối tượng thụ hưởng: Đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; những người trực tiếp được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại 108 xã, phường, thị trấn, 648 thôn, bản đặc biệt khó khăn; bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể ở thôn, người có uy tín trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hình thức: In và phát hành tài liệu.

- Số lượng: 2.700 cuốn, tờ rơi/năm; 10 - 20 áp phích/năm.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu.

4. Xây dựng, nhân rộng mô hình về truyền thông, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở

- Địa điểm: Tại một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu biểu về giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

- Số lượng: 02 - 05 mô hình/năm.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

- Phương thức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chọn triển khai thực hiện.

5. Tổ chức hội nghị sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chiến lược

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Thời gian tổ chức thực hiện: Năm 2025.

V. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tuyên truyền các gương điển hình gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu về văn hóa gia đình, ứng xử chuẩn mực; trang bị, phổ biến kiến thức, kỹ năng để các gia đình chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội; kế thừa và phát huy có chọn lọc những giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số và thực hiện tuyên truyền lồng ghép vào những chính sách dân tộc đang thực hiện như: Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng, Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”…

- Tổ chức có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền hằng năm nhằm nâng cao nhận thức để xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình.

- Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị gia đình; phát huy vai trò của ông, bà, cha, mẹ trong giáo dục cho con, cháu, tạo sự gắn kết, xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

VI. KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện bố trí từ ngân sách nhà nước cấp theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các dự án có liên quan đến phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, bình đẳng giới và tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

3. Lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật; huy động từ các nguồn vốn tài trợ, viện trợ; huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn và hằng năm theo quy định.

- Tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này; đột xuất hoặc định kỳ (06 tháng và 01 năm) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền công tác gia đình, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hằng năm hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở.

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước trong đó có nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo việc lồng ghép kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... với chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động ngoại khoá trong trường học có lồng ghép nội dung liên quan đến công tác gia đình cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tuyên truyền công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em; chăm sóc người cao tuổi.

- Thực hiện mục tiêu đạt 90% các gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo, chương trình việc làm và dạy nghề, các chính sách, chế độ ưu đãi đối với gia đình dân tộc thiểu số và miền núi.

5. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Chiến lược do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì xây dựng, tổng hợp và căn cứ nguồn vốn Trung ương (vốn sự nghiệp) bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này theo quy định hiện hành.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này trong tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

7. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Tham gia các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi hoạt động của ngành. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hiệu quả về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong các cấp hội.

- Thực hiện có hiệu quả Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

8. Các sở, ban, ngành liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị; tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan của sở, ban, ngành đang triển khai thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các dự án liên quan đến tảo hôn, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn quản lý.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương; báo cáo sơ kết 05 năm, báo cáo tổng kết 10 năm khi có chỉ đạo, hướng dẫn.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện, định kỳ hoặc đột xuất (theo yêu cầu) báo cáo kết quả thực hiện về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.