- 1 Quyết định 2480/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2 Quyết định 460/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 3 Quyết định 2864/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Đakrông đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 do tỉnh Quảng Trị ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3422/QĐ-UBND | Sóc Trăng, ngày 27 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN CÙ LAO DUNG, TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025);
Căn cứ Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số 07:2016/BXD về hạ tầng kỹ thuật;
Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 2404/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung như sau:
1. Tên đồ án:
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi ranh giới, quy mô đất đai:
- Phạm vi ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cù Lao Dung. Tứ cận cụ thể như sau:
+ Phía Tây Nam giáp huyện Long Phú và huyện Trần Đề qua cửa Trần Đề - Sông Hậu;
+ Phía Tây Bắc giáp huyện Kế Sách qua Sông Hậu;
+ Phía Đông Bắc giáp ranh với tỉnh Trà Vinh qua cửa Định An - Sông Hậu;
+ Phía Đông Nam giáp Biển Đông.
- Quy mô diện tích: 24.503,7 ha.
3. Mục tiêu phát triển, tính chất, tiềm năng và động lực phát triển vùng:
a) Quan điểm, mục tiêu phát triển
- Quan điểm phát triển:
+ Đặt sự phát triển của vùng huyện Cù Lao Dung trong bối cảnh phát triển của tỉnh Sóc Trăng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là khu vực đệm phát triển “kinh tế xanh”.
+ Quy hoạch xây dựng vùng huyện đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện có liên quan và phù hợp với bối cảnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Sóc Trăng.
+ Phát triển nhanh, bền vững hài hòa về kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Phát triển không gian vùng huyện phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tích hợp phát triển các ngành, đặc biệt là dịch vụ thương mại - du lịch, khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng, hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
+ Xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ kết nối với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật quốc gia, cấp tỉnh. Kết nối với các vùng kinh tế trong tỉnh và các tỉnh lân cận thông qua cầu Đại Ngãi.
- Mục tiêu phát triển:
+ Xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với thương hiệu xanh - sinh thái - cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Phát triển vùng huyện theo hướng lấy thị trấn Cù Lao Dung làm đô thị hạt nhân, mở rộng đô thị ra các xã phụ cận, làm nền tảng để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phát triển huyện trở thành thị xã trong tương lai;
+ Xây dựng và phát triển các đô thị, điểm dân cư nông thôn kết hợp cảnh quan sông nước, thân thiện với môi trường thiên nhiên trên toàn vùng huyện; nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, giữ gìn bản sắc địa phương.
b) Tính chất
- Là cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh kết nối với các tỉnh Đông Bắc Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ sinh thái tự nhiên hấp dẫn du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm; thu hút hợp tác xây dựng các dự án chiến lược phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn phòng, cơ sở dịch vụ về giáo dục đào tạo, nghiên cứu thực nghiệm, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác cấp khu vực và cấp vùng.
- Là vùng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với lợi thế của sông Hậu và vùng ven biển. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng.
- Là đầu mối giao thông thủy, bộ của tỉnh: Là cửa ngõ phía Đông Bắc kết nối với tỉnh Trà Vinh và vùng hạ lưu xung yếu của hệ thống sông Mekông, huyết mạch giao thông đường thủy và hàng hải quan trọng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Bộ nói chung.
- Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng đối với tỉnh Sóc Trăng và Quốc gia.
c) Tiềm năng và động lực phát triển vùng
- Tiềm năng:
+ Cù Lao Dung với thế mạnh có đường bờ biển dài, diện tích tiếp xúc với sông Hậu lớn, cảnh quan thiên nhiên phong phú đa dạng thuận lợi phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và dịch vụ biển như: Các loại hình du lịch sinh thái; duy trì, phát triển nâng tầm các lễ hội truyền thống; khai thác các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer, người Hoa; phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
+ Có lợi thế đặc trưng của 03 hệ sinh thái của vùng nước ngọt, lợ và mặn, thích hợp cho nghiên cứu, lai tạo các giống loài thủy sản trên cả 03 hệ sinh thái này để làm khu vực kêu gọi các Viện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm, làm dịch vụ giống cung cấp ra các tỉnh lân cận như nghêu, sò huyết và một số loại thủy sản đặc sản ven biển và hạ lưu sông Hậu ...
+ Hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi liên hệ với các xã trên địa bàn huyện, các địa phương khác trong và ngoài tỉnh thông qua sông Hậu.
- Động lực phát triển:
+ Hình thành vùng du lịch gắn với rừng ngập mặn ven biển, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế gắn với biển như: Du lịch biển, hàng hải, thương mại đường biển, các dịch vụ gắn với biển,...
+ Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái gắn với các vùng cây ăn trái đặc trưng; vùng trồng mía, hoa màu hiện hữu và các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao.
+ Phát triển dịch vụ du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, các loại hình du lịch sinh thái.
4. Dự báo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản:
2.1. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế
Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp - xây dựng. Tốc độ tăng trưởng bình quân theo các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đến năm 2030: Khoảng 7 - 9%/năm.
- Giai đoạn 2031 - 2050: Khoảng 8 - 10%/năm.
4.2. Dự báo quy mô dân số
Dự báo dân số huyện Cù Lao Dung (bao gồm dân số tăng tự nhiên, tăng cơ học và dân số quy đổi từ khách du lịch) theo từng giai đoạn cụ thể:
- Đến năm 2025: Dân số toàn huyện khoảng 58.000 - 59.000 người.
- Đến năm 2030: Dân số toàn huyện khoảng 60.000 - 61.000 người.
- Đến năm 2040: Dân số toàn huyện khoảng 64.000 - 65.000 người.
- Đến năm 2050: Dân số toàn huyện khoảng 69.000 - 70.000 người.
4.3. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa theo các giai đoạn quy hoạch
- Đến năm 2025: Khoảng 11 - 12%.
- Đến năm 2030: Khoảng 25 - 30%.
- Đến năm 2040: Khoảng 40 - 45%.
- Đến năm 2050: Khoảng 45 - 50%.
4.4. Các chỉ tiêu kỹ thuật và sử dụng đất:
a) Dự báo nhu cầu đất dân dụng đô thị:
- Chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị loại IV: 50-80 m2/người.
- Chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị loại V: 70-100 m2/người.
b) Các chỉ tiêu cơ bản khác:
- Chỉ tiêu cây xanh đô thị: ≥ 4 - 5 m2/người (tùy theo loại đô thị).
- Tỷ lệ đất giao thông đô thị tính đến đường phân khu vực so với đất xây dựng đô thị: ≥ 18%.
- Tiêu chuẩn cấp nước:
+ Tiêu chuẩn cấp nước đô thị: ≥ 120 lít/người/ngày đêm.
+ Tiêu chuẩn cấp nước nông thôn: ≥ 60 lít/người/ngày đêm.
- Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý: ≥ 80% lượng nước cấp.
- Chỉ tiêu chất thải rắn:
+ Tiêu chuẩn rác thải sinh hoạt: 0,8 kg/người.ngày.
+ Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: ≥ 98%.
+ Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại: 100%.
- Chỉ tiêu cấp điện:
+ Phụ tải điện sinh hoạt đô thị: ≥ 330 W/người.
+ Phụ tải điện sinh hoạt nông thôn: ≥ 150 W/người.
- Tỷ lệ đường phố trong đô thị được chiếu sáng từ 80 - 90% (tùy theo loại đô thị), tỷ lệ đường khu vực trung tâm xã được chiếu sáng: ≥ 50%;
5. Định hướng phát triển không gian vùng:
5.1. Mô hình phát triển không gian vùng:
a) Mô hình phát triển không gian vùng:
Không gian vùng huyện phát triển theo mô hình cụm - tuyến, hình thành và phát triển các cụm trung tâm đô thị - thương mại dịch vụ - du lịch tại khu vực Quốc lộ 60 điều chỉnh, thị trấn Cù Lao Dung, đô thị mới An Thạnh 3, đô thị mới An Thạnh Nam và kết nối với nhau qua tuyến hành lang giao thông Đường tỉnh 933B.
b) Các phân vùng quản lý phát triển
Toàn huyện được chia thành 03 tiểu vùng:
- Tiểu vùng 1 - Phát triển đô thị - Thương mại dịch vụ: Gồm thị trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Tây và một phần xã An Thạnh Đông.
- Tiểu vùng 2 - Phát triển Nông nghiệp kết hợp Du lịch sinh thái miệt vườn: Gồm xã Đại Ân 1, xã An Thạnh 2 và một phần xã An Thạnh Đông.
- Tiểu vùng 3 - Phát triển Thương mại dịch vụ - Du lịch sinh thái biển: Gồm hai xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam.
5.2. Phân bố các không gian phát triển:
a) Không gian phát triển nông nghiệp:
Phân bố chủ yếu ở Tiểu vùng 2 tại các xã An Thạnh 2, An Thạnh Đông và Đại Ân 1; ở Tiểu vùng 1 và Tiểu vùng 3, không gian nông nghiệp phân bố xen kẽ với các chức năng đô thị, thương mại dịch vụ - du lịch. Quy mô diện tích khoảng 12.000 - 13.000 ha.
b) Không gian phát triển lâm nghiệp:
Phân bố ở Tiểu vùng 3 tại phía Nam huyện, ở hai xã An Thạnh Nam và An Thạnh 3. Quy mô diện tích khoảng 1.600 - 1.700 ha.
c) Không gian phát triển thương mại dịch
Phân bố theo hình thức “cụm” hoặc “tuyến” gắn với các khu vực phát triển đô thị và du lịch. Quy mô diện tích khoảng 80 - 90 ha.
d) Không gian phát triển du lịch:
Phân bố chủ yếu ở Tiểu vùng 1 và Tiểu vùng 3 (ở Tiểu vùng 2 sẽ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp), gồm các khu chức năng sau:
- Khu du lịch “Cửa sổ Đồng bằng sông Cửu Long” (Khu du lịch đặc trưng phía Nam hạ lưu sông Mê Kông): Khoảng 200 - 250 ha.
- Khu du lịch nghỉ dưỡng An Thạnh Tây: Khoảng 300 - 350 ha.
- Khu du lịch sinh thái miệt vườn An Thạnh 1: Khoảng 50 - 60 ha.
- Khu du lịch làng Long Ẩn: Khoảng 150 - 200 ha.
- Khu du lịch Ốc đảo Vàm Hồ: Khoảng 250 - 300 ha.
- Khu du lịch sinh thái Đảo Khỉ: Khoảng 19-25 ha.
- Các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển giáp rừng ngập mặn: Khoảng 1.800 ha.
- Các khu du lịch sinh thái kết hợp rừng ngập mặn (khoảng 1.700 ha) và các khu du lịch tại khu vực bãi bồi ven biển.
(Tên gọi và quy mô diện tích của các khu chức năng trên sẽ được xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch cấp dưới, có thể gồm một hoặc nhiều dự án du lịch; chi tiết chức năng các khu du lịch/dự án du theo thuyết minh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù lao Dung đính kèm).
e) Định hướng khu vực di tích lịch sử - văn hóa:
- Đối với các di tích trên địa bàn huyện: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị nổi bật của các công trình kiến trúc, di sản và cảnh quan môi trường xung quanh; tuân thủ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa đã được phê duyệt.
- Nâng cấp, mở rộng Đền thờ Bác ở xã An Thạnh Đông, đầu tư thêm một số hạng mục công trình để phục vụ du lịch.
- Nâng cấp, mở rộng các di tích sử - văn hóa cấp tỉnh: Bia Chiến thắng Rạch Già, Đình Rạch Giồng - Địa điểm thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng tại thị trấn Cù Lao Dung và Bia Chiến thắng An Hưng, ở xã An Thạnh 3.
5.3. Tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn:
a) Định hướng phát triển đô thị:
- Đô thị Cù Lao Dung: Trong giai đoạn 2026 - 2030, đô thị Cù Lao Dung nâng cấp từ đô thị loại V thành đô thị loại IV; là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại dịch vụ của huyện.
- Đô thị An Thạnh 3: Trong giai đoạn đến năm 2025, nâng cấp xã An Thạnh 3 thành đô thị loại V.
- Đô thị An Thạnh Nam: Trong giai đoạn 2030 - 2040, nâng cấp xã An Thạnh Nam thành đô thị loại V.
b) Định hướng phát triển dân cư nông thôn:
- Định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở các đồ án quy hoạch nông thôn các xã đã được phê duyệt; theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.
- Đối với các trung tâm xã: Mở rộng quy mô các trung tâm xã hiện hữu, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho xã.
- Các điểm dân cư tập trung: Phát triển các điểm dân cư tập trung trên cơ sở các điểm dân cư hiện hữu, được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và các nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất trên địa bàn xã.
5.4. Định hướng phát triển hệ thống công trình hạ tầng xã hội:
a) Trung tâm hành chính:
Nâng cấp, cải tạo Trung tâm hành chính cấp huyện và các trung tâm hành chính cấp xã hiện hữu; đầu tư xây dựng trung tâm hành chính của các đô thị mới.
b) Trung tâm giáo dục, đào tạo:
- Đen năm 2040, trên địa bàn huyện vẫn giữ 02 cơ sở giáo dục phổ thông và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó, ở giai đoạn sau năm 2030, dự kiến nâng cấp mở rộng trường Trung học phổ thông An Thạnh 3.
- Xã hội hóa giáo dục đào tạo, phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần tạo động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng huyện Cù Lao Dung. Phát triển các trung tâm nghiên cứu ươm tạo, thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp.
- Đào tạo các ngành nghề đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới, trong đó chú trọng nhân lực cho phát triển du lịch và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
c) Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao:
- Đầu tư xây dựng mới khu Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao huyện Cù Lao Dung. Quy mô diện tích khoảng 20 ha.
- Đầu tư xây dựng các công trình Văn hóa - Thể dục Thể thao tại các xã, thị trấn, kết hợp xây dựng các cụm khu vui chơi giải trí, khu văn hóa đa năng đảm bảo đạt chuẩn theo quy định nhằm phục vụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
d) Trung tâm y tế:
- Trong giai đoạn sau năm 2030, từng bước nâng cấp Trung tâm y tế huyện Cù Lao Dung từ 200 giường bệnh lên 300 giường bệnh. Quy mô diện tích khoảng 3 ha.
- Xã hội hóa ngành y tế, phát triển mạnh các cơ sở y tế ngoài công lập (cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc y tế kỹ thuật cao; cơ sở khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền; các loại hình dịch vụ y tế kết hợp với nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe tại các khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng). Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại hệ thống trạm y tế cơ sở các xã, thị trấn.
e) Trung tâm thương mại dịch vụ:
Tổ chức hệ thống thương mại dịch vụ với tổng quy mô diện tích các khu thương mại dịch vụ khoảng 80 - 90 ha, gồm:
- Khu trung tâm thương mại dịch vụ trong Khu đô thị mới Cù Lao Dung (tại nút giao giữa Quốc lộ 60 điều chỉnh và Đường tỉnh 933B), được tổ chức hỗn hợp các chức năng: trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - không gian mở, chợ chuyên doanh nông sản, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ khác gắn với khu đô thị mới.
- Khu thương mại dịch vụ gắn với bến tàu du lịch và vị trí bố trí cáp treo nối từ Trần Đề qua Cù Lao Dung tại An Thạnh Nam định hướng tổ chức các chức năng: trung tâm thương mại dịch vụ (kết hợp các loại hình giải trí hiện đại), quảng trường, chợ đêm,... phục vụ du lịch.
- Khu trung tâm thương mại dịch vụ Bến Bạ kết hợp dân cư thương mại tại xã An Thạnh Đông.
- Khu thương mại dịch vụ đô thị mới An Thạnh 3.
- Các điểm thương mại dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn tại phía Bắc xã An Thạnh 1 phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn.
- Các điểm thương mại dịch vụ du lịch sinh thái biển tại khu vực phát triển du lịch sinh thái ven biển và rừng ngập mặn ở xã An Thạnh Nam và An Thạnh 3.
- Các điểm thương mại dịch vụ du lịch dọc theo Quốc lộ 60 hiện hữu: Bố trí chợ đêm sau phục vụ du lịch sau khi tuyến Quốc lộ 60 điều chỉnh hình thành, nâng cấp 02 bến phà Đại Ngãi trở thành bến tàu du lịch.
- Phát triển các chợ dân sinh tại các xã, thị trấn phục vụ nhu cầu nhân dân.
f) Trung tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp:
Bên cạnh các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn về thương mại, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khai thác du lịch, thương mại kết hợp với sản xuất nông nghiệp; sẽ tổ chức 02 khu vực có chức năng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khác, gồm:
- Khu vực tại nút giao giữa Quốc lộ 60 điều chỉnh và Đường tỉnh 933B tổ chức các chức năng: Trung tâm triển lãm sản phẩm nông sản; kho lưu trữ, bãi tập kết hàng hóa và dịch vụ tổng hợp khác.
- Khu vực tạo nút giao giữa Đường tỉnh 933B và Đường huyện 14 thuộc đô thị An Thạnh 3 tổ chức các chức năng: Trung tâm Thương mại dịch vụ tổng hợp cung ứng vật tư nông nghiệp; kho lưu trữ, bãi tập kết hàng hóa và dịch vụ tổng hợp khác.
5.5. Phân bố và xác định quy mô các khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên:
Khu vực ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gồm:
- Khu vực rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung tại xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam (ngoại trừ 03 tuyến đường nối từ đê biển ra khu vực bãi bồi ven biển và phần đất hai bên của các tuyến đường này).
- Khu vực các di tích trên địa bàn huyện.
- Khai thác phù hợp và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên khu vực ven các tuyến sông rạch chính trên địa bàn gồm: ven sông Hậu, sông Cồn Tròn, sông Bến Bạ, sông Khém Sâu, rạch Long Ẩn,...
6. Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng:
6.1. Định hướng phát triển hệ thống giao thông:
a) Giao thông bộ:
Mạng lưới giao thông đường bộ trong vùng huyện gồm: Đường cao tốc, đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn và các công trình đầu mối giao thông, được định hướng như sau:
- CT.33: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng đi song song với Quốc lộ 60 điều chỉnh. Khi triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc, sẽ cập nhật hướng tuyến và lộ giới chính xác theo quy hoạch cấp trên và xác định trong dự án triển khai.
- Quốc lộ 60 điều chỉnh: Quy mô đường cấp III-II đồng bằng.
- Đường tỉnh: Quy mô đường cấp III đồng bằng, gồm 2 tuyến: Đường tỉnh 933 và Đường tỉnh 933B.
- Đường huyện: Quy mô đường cấp IV-V đồng bằng, gồm các tuyến: Đường huyện 10, Đường huyện 11, Đường huyện 12, Đường huyện 12A, Đường huyện 12B, Đường huyện 13, Đường huyện 14, Đường huyện 15, Đường huyện 16, Đường huyện 17.
- Tuyến đường bộ ven biển: Đoạn qua huyện Cù Lao Dung đi trùng với Đường huyện 15.
- Đường đô thị: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị theo quy hoạch các đô thị trong huyện.
- Đường giao thông nông thôn: Được đầu tư xây dựng theo quy hoạch chung xã. Quy mô các tuyến đường giao thông nông thôn đạt từ cấp C trở lên.
- Công trình đầu mối giao thông:
+ Nâng cấp bến xe khách thị trấn Cù Lao Dung đạt chuẩn bến xe loại 4; quy hoạch các bến, bãi xe phục vụ du lịch tại các xã An Thạnh 1, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Tây dọc theo Đường tỉnh 933B và các khu trung tâm thương mại dịch vụ lớn, đồng thời các vị trí này là bến kỹ thuật cho tuyến xe buýt nội huyện dự kiến đi dọc Đường tỉnh 933B.
+ Tuyến cáp treo phục vụ du lịch: Kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo vượt sông Hậu từ huyện Trần Đề sang huyện Cù Lao Dung nhằm phục vụ du lịch.
b) Giao thông thủy:
Định hướng cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông đường thủy trên địa bàn huyện, bao gồm: các tuyến sông, kênh quốc gia (luồng Định An và luồng Trần Đề), các tuyến đường thủy nội địa (sông cồn Tròn, sông Bến Bạ, kênh Vàm Hồ Lớn,...).
c) Đầu tư xây dựng các cảng bến:
- Bến hàng tập trung tại thị trấn Cù Lao Dung.
- Các bến phà:
+ Bến phà Đại Ân 1 - Long Phú tại xã Đại Ân 1.
+ Bến phà Cù Lao Dung - Trần Đề tại xã An Thạnh Nam.
+ Bến phà An Thạnh 3 - Long Vĩnh kết hợp bến tàu du lịch, bến du thuyền tại xã An Thạnh 3.
- Các bến tàu du lịch:
+ Khi dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành thì các bến phà hiện hữu tại xã An Thạnh 1 sẽ chuyển đổi công năng thành các bến tàu du lịch. Trong đó xây dựng mới cầu cảng phục vụ đưa đón khách du lịch có khả năng tiếp nhận các tàu du lịch tiêu chuẩn 4 sao tại xã An Thạnh 1.
+ Bến tàu du lịch tại xã An Thạnh Nam.
+ Các bến tàu du lịch trên khu vực sông Cồn Tròn, sông Khém Sâu, sông Bến Bạ.
- Xây dựng hệ thống âu thuyền kết hợp với hệ thống đê bao khép kín đối với sông Cồn Tròn, sông Bến Bạ và sông Khém Sâu.
6.2. Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:
a) San nền:
- Lựa chọn cao độ xây dựng khống chế cho các đô thị, các điểm dân cư tập trung ≥ +2,00m; các khu vực còn lại có giải pháp san nền phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên và công năng sử dụng. Hướng dốc về các sông, kênh, rạch trong khu vực.
- Xây dựng tuyến đê bao liên vùng khép kín toàn huyện có cao độ ≥ +4,20m và hệ thống đê sông; nghiên cứu kết hợp với hệ thống các âu thuyền trữ nước ngọt và phát triển du lịch trên hệ thống các sông cồn Tròn, sông Khém Sâu, sông Bến Bạ.
b) Thoát nước mưa:
- Đối với khu vực đô thị: 100% đường nội thị có hệ thống thoát nước mưa riêng.
- Đối với khu vực nông thôn: Các điểm dân cư tập trung tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương có các giải pháp khác nhau để xác định hệ thống thoát nước riêng hay chung nhưng phải có các biện pháp thu gom nước thải để xử lý trước khi xả ra môi trường.
6.3. Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước:
a) Tiêu chuẩn cấp nước:
- Tiêu chuẩn cấp nước đô thị: ≥ 120 lít/người/ngày đêm.
- Tiêu chuẩn cấp nước nông thôn: ≥ 60 lít/người/ngày đêm (trong giai đoạn dài hạn tính toán với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày đêm).
b) Nguồn cấp nước và mạng lưới trạm cấp:
- Trong giai đoạn ngắn hạn:
+ Nâng cấp, cải tạo 2 trạm cấp nước hiện hữu tại thị trấn Cù Lao Dung với tổng công suất Q=4.000 m3/ngày đêm.
+ Xây mới nhà máy cấp nước tại thị trấn Cù Lao Dung, công suất Q=1.735 m3/ngày đêm.
+ Nâng cấp, cải tại trạm cấp nước hiện hữu An Thạnh 2 lên công suất Q=1.500 m3/ngày đêm.
+ Nâng cấp, cải tại trạm cấp nước hiện hữu An Thạnh 3 lên công suất Q=2.500 m3/ngày đêm.
+ Xây mới trạm cấp nước công suất Q=1.000 m3/ngày đêm tại xã An Thạnh Tây.
+ Xây mới trạm cấp nước công suất Q=1.500 m3/ngày đêm tại xã An Thạnh Nam.
- Trong giai đoạn dài hạn định hướng kết nối mạng liên vùng: Xây dựng tuyến ống kết nối từ xí nghiệp cấp nước của mạng liên vùng cấp nước đến Cù Lao Dung qua tuyến Quốc lộ 60 điều chỉnh.
6.4. Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
a) Thoát nước thải:
- Tiêu chuẩn thu gom nước thải sinh hoạt: ≥ 80% lượng nước cấp sinh hoạt.
- Đối với khu vực đô thị: Xây dựng hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung hoặc phân tán (tùy theo điều kiện của từng đô thị), gồm:
+ Trạm xử lý nước thải thị trấn Cù Lao Dung và một phần xã An Thạnh Tây, tổng công suất Q=1.400 m3/ngày.
+ Trạm xử lý nước thải cho đô thị An Thạnh 3, tổng công suất Q= 1.400 m3/ngày.
+ Trạm xử lý nước thải cho đô thị An Thạnh Nam, tổng công suất Q=800 m3/ngày.
- Đối với khu vực nông thôn: Các điểm dân cư tập trung phải có hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt. Cho phép sử dụng hệ thống thoát nước mưa để thoát nước thải đã xử lý qua bể tự hoại.
b) Vệ sinh môi trường:
- Chất thải rắn: Tiêu chuẩn rác thải sinh hoạt 0,8 kg/người.ngày. Chất thải rắn được thu gom và đưa đến khu xử lý chất thải rắn của huyện, quy hoạch mới tại xã An Thạnh 2.
- Nghĩa trang: Từng bước đóng cửa và di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ không đảm bảo môi trường. Quy hoạch nghĩa trang tập trung kết hợp nhà hỏa táng của huyện tại xã An Thạnh 2.
6.5. Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cấp điện:
a) Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt:
- Phụ tải điện sinh hoạt đô thị: ≥ 330 W/người.
- Phụ tải điện sinh hoạt nông thôn: ≥ 150 W/người.
b) Nguồn điện:
- Trạm biến áp Cù Lao Dung 110kV-1x40MVA hiện hữu dự kiến nâng công suất lên 2x63MVA đến 2050.
- Dự kiến nghiên cứu trạm biến áp 110kV An Thạnh 3 (hoặc An Thạnh Nam) với quy mô công suất phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch.
- Phát triển dự án điện gió ngoài khơi số 11, quy mô công suất 100,8 MW, đấu nối vào trạm trung gian 220kV Trần Đề.
7. Quy định quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng huyện:
Lồng ghép quy định quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng huyện và thực hiện quản lý theo thuyết minh tổng hợp của đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch theo Biên bản thẩm định; đồng thời, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho địa phương và các đơn vị liên quan theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch này theo quy định.
- Phối hợp với các Sở ngành liên quan tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 2480/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2 Quyết định 460/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 3 Quyết định 2864/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Đakrông đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 do tỉnh Quảng Trị ban hành