Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 498/QĐ-UBND .HC

Thành phố Cao Lãnh, ngày 6 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN, NÔNG DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa VIII, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-UBND.HC , ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đống Tháp đến năm 2020;

Thực hiện Thông báo số 51-TB/TU, ngày 13 tháng 4 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp về việc thông qua Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đọan 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, với những nội dung trọng tâm sau:

1.1. Mục đích và yêu cầu:

- Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2009 - 2020.

- Đề án đề ra các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

1.2. Phạm vi, đối tượng của Đề án: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn thông qua đào tạo và bồi dưỡng tập huấn cho các đối tượng:

- Cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân, nhân viên làm việc cho các hợp tác xã, trang trại và các tổ chức kinh tế khác ở nông thôn.

- Nông dân và con em nông dân trong độ tuổi lao động.

1.3. Mục tiêu cụ thể của Đề án:

a) Giai đoạn 2009 - 2015:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 40% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2010 còn 50%.

- Nâng thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 500 USD năm 2010

- 100% xã, phường, thị trấn có kỹ sư trồng trọt và chăn nuôi; 40% xã có kỹ sư thủy sản và kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2020 là 40%.

- 100% xã, thị trấn có kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi và các kỹ sư chuyên ngành khác để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

- 90% lao động nông nghiệp được qua các khoá khuyến nông, ngư và 35 - 45% lao động được qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn về kỹ năng nông ngư nghiệp.

2. Nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh.

2.1. Nhu cầu đào tạo.

a) Đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật: Các ngành học được đào tạo gồm: Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thuỷ sản, Chăn nuôi thú y, Trồng trọt, Công nghệ sinh học, Quản lý môi trường, Quản trị kinh doanh, Luật, Tài chính kế toán, Nông học. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của các đơn vị trực tiếp quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản để đáp ứng yêu cầu xã hội.

- Giai đoạn 2009 - 2015: Đào tạo 1.500 người; trong đó: Sau đại học là 120 người, đại học là 800 người, trung cấp là 580 người.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo 900 người; trong đó: Sau đại học là 150 người, đại học là 550 người, trung cấp là 200 người.

b) Đào tạo nghề cho nông dân:

* Đào tạo cho 16.000 người có trình độ từ trung cấp trở lên các ngành như: Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Phát triển nông thôn, Cơ khí nông nghiệp, Tài chính kế toán,... để bổ sung lực lượng vào hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, tổ hợp tác; vào các Hội cơ sở của Hội làm vườn, Hội nông dân, Hiệp hội thủy sản và sử dụng lực lượng vào các dịch vụ nông nghiệp nông thôn.

- Giai đoạn 2009 - 2015: đào tạo 9.400 người.

- Giai đoạn 2016 - 2020: đào tạo 6.600 người.

* Đào tạo cấp chứng chỉ cho 86.000 người, cụ thể đào tạo vào các các lĩnh vực như: Cơ khí, sữa chữa động cơ máy nổ, máy gặt; Kỹ thuật trồng hoa, kiểng; Kỹ thuật điện cơ, điện lạnh; Công nhân thợ hồ, thợ mộc; May, thêu rua xuất khẩu; Cắm hoa khô; Nghề gắn, kết cườm; Dệt chiếu; Nghề tạo sản phẩm từ các nguyên liệu mây, tre, trúc, lục bình; Đan thảm xuất khẩu; Lắp ráp bảo trì máy tính; Công nghệ thông tin …

- Giai đoạn 2009 - 2015: 50.000 người.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 36.000 người.

2.2. Nhu cầu bồi dưỡng.

a) Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ, chuyên môn: Cụ thể tập huấn về đào tạo giảng viên, kỹ năng khuyến nông, kỹ thuật chuyên ngành về lĩnh vực cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi.

- Giai đoạn 2009-2015: 3.500 người.

- Giai đoạn 2016-2020: 1.000 người.

b) Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho nông dân:

* Tập huấn theo mô hình chương trình khuyến nông cho 162.000 lượt người nông dân, trong đó.

- Giai đoạn 2009-2015: 90.000 lượt người.

- Giai đoạn 2016-2020: 72.000 lượt người.

* Phấn đấu hàng năm tập huấn cho 13.500 lượt người nông dân các kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp như:

- Xã viên hợp tác xã nông nghiệp cần phải dạy nghề áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

- Đào tạo nghề cho các trang trại về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

- Đào tạo nghề về nuôi trồng, ươm giống lĩnh vực thuỷ sản.

- Đào tạo nghề cho Hội viên hội làm vườn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái.

- Đào tạo nghề cho nông dân có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

- Đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ.

- Kỹ thuật duy tu, vận hành và sữa chữa các máy nông nghiệp.

- Kỹ thuật sơ chế bảo quản, tiếp thị và kinh doanh nông sản…

3. Kinh phí thực hiện đề án: Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm ngân sách nhà nước đầu tư thông qua các chương trình, đề án, dự án hợp tác đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương, ngân sách địa phương; kinh phí đóng góp của người học; kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế, các cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Cụ thể:

3.1. Tổng kinh phí: 122.972 tỉ đồng, chia 2 giai đọan.

- Giai đoạn 2009 - 2015: 72.940 tỉ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 50.032 tỉ đồng.

3.2. Dự kiến cơ cấu nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước: 86.080 tỉ đồng (70%)

- Xã hội hoá: 36.892 tỉ đồng (30%).

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng và một năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT/UBND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT+NC/TH,VX, NN. Hg.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Vĩnh Tân

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN, NÔNG DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 498/QĐ-UBND.HC ngày 6 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó nông nghiệp ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sản xuất nông nghiệp đang dần chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và công nghệ cao. Điều này đồng nghĩa với việc lao động nông thôn đang có sự chuyển dần theo hướng sản xuất nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghiệp, lao động dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Nông nghiệp và kinh tế nông thôn của Tỉnh là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính cho đại đa số người dân nông thôn, sản phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu cung cấp chủ yếu công nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông thôn là hậu cần vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Phát triên nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo sự phát triển ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của Tỉnh.

Tuy được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, nhưng so với yêu cầu phát triển thì nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, nông thôn của nước ta nói chung và của tỉnh Đồng Tháp nói riêng còn nhiều yếu kém và bất cập.

Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Trung ương VII, Khoá 10; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa VIII; Quyết định số 138/QĐ-UBND.HC ngày 22 tháng 01 năm 2009 của UBND Tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 như sau:

1. Mục đích và yêu cầu của đề án:

- Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2009-2020.

- Đề án đề ra các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

2. Phạm vi, đối tượng của đề án: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn thông qua đào tạo và bồi dưỡng tập huấn cho các đối tượng:

- Cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân làm việc cho các hợp tác xã, trang trại và các tổ chức kinh tế khác ở nông thôn.

- Nông dân và con em nông dân trong độ tuổi lao động.

3. Nội dung cơ bản của đề án:

- Thực trạng nguồn nhân lực nông thôn của Tỉnh, giai đoạn 2006 - 2008.

- Mục tiêu và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Các giải pháp, kinh phí và tổ chức thực hiện.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP

I. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và đời sống nông dân.

Đồng Tháp là một Tỉnh nông nghiệp với diện tích sản xuất là 276.206 ha chiếm 80% diện tích toàn tỉnh và hơn 82,73% dân cư sống ở vùng nông thôn, có trên 73,59% lao động nông nghiệp. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhờ vậy mà tốc độ tăng trưởng tăng cao hàng năm (năm 2008 đạt 16,56%); trong đó khu vực nông nghiệp tăng 6,81%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 38,28%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 19,14%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng sản phẩm. Hiện tại, tỷ trọng Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 46,96% giảm 4,28%. Công nghiệp - Xây dựng 23,18% tăng 3,64% và Dịch vụ - Thương mại là 29,86% tăng 0,64% so với năm 2007; sản lượng lúa cả năm đạt 2,72 triệu tấn góp phần ổn định an ninh lương thực và đóng góp lớn vào chỉ tiêu xuất khẩu gạo của cả nước. Ngoài cây lúa, Đồng Tháp còn có trên 29.435 ha diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhiều vùng hoa màu ven sông Tiền, sông Hậu đang được xây dựng thành vùng chuyên canh, cung cấp nông sản phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng so năm 2000. GDP/người theo giá hiện hành tăng từ 3,4 triệu đồng năm 2000 lên 6 triệu đồng năm 2005; bình quân tăng 9%/ năm.

 Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình xây dựng nông thôn và đời sống nông dân tỉnh Đồng Tháp còn có nhiều khó khăn, yếu kém. Nền nông nghiệp của tỉnh nhìn chung còn ở trình độ thấp, tiềm ẩn nhiều bất trắc và chưa thích hợp với những yêu cầu mới; chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về lao động và tự nhiên để tạo ra những sản phẩm mới. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm. Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp kém sức cạnh tranh; chưa tạo được sự gắn kết, bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ; kinh tế tập thể chậm được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hiệu quả còn thấp; đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến cho nông thôn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của tỉnh trong giai đoạn mới chính là việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức và lực lượng lao động ở nông thôn chưa tương xứng và đồng bộ với qui mô phát triển. Để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn là giải pháp trọng tâm và là khâu đột phá trong thời gian tới.

II. Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

1. Lực lượng lao động ở nông thôn.

1.1. Thực trạng dân số tỉnh Đồng Tháp phân theo khu vực thành thị và nông thôn.

Năm

Tổng dân số

Trong đó nữ

Thành thị

Nông thôn

Tỷ lệ so với tổng

dân số (%)

Thành thị

Nông thôn

1

2

3

4

5

6

7

2005

1.654.680

847.155

285.606

1.369.074

17,26

82,74

2006

1.667.804

854.340

287.871

1.379.933

17,26

82,74

2007

1.674.840

858.216

289.166

1.385.674

17,27

82,72

Nguồn: Niên giám thống kê 2007- tỉnh Đồng Tháp

Qua số liệu ở bảng trên cho thấy, tỷ lệ dân số ở nông thôn có xu hướng giảm.

1.2. Phân bố lực lượng lao động thành thị, nông thôn.

Năm

Lực lượng lao động (người)

Cơ cấu lực lượng lao động (%)

Thành thị

Nông thôn

Thành thị

Nông thôn

2006

146.900

732.000

16,78

83,22

2007

163.500

746.800

17,97

82,03

Nguồn: Kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp 2007 Tỉnh Đồng Tháp.

Từ các số liệu trên (theo kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp 2007 tỉnh Đồng Tháp) cho thấy, lực lượng lao động đang có sự chuyển dịch tích cực, đó là:

- Sự di chuyển lớn lực lượng lao động khu vực nông thôn ra thành thị.

- Cơ cấu lực lượng lao động có sự thay đổi, tỷ trọng lực lượng lao động khu vực thành thị tăng lên, khu vực nông thôn giảm xuống.

1.3. Tỷ lệ đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động khu vực thành thị và nông thôn.

Qua số liệu điều tra năm 2007 cho thấy sự chênh lệch về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động khu vực thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Không chỉ dừng ở đó mà khoảng cách ngày càng gia tăng, tuy trình độ chuyên môn kỹ thuật lao động khu vực nông thôn đã tăng lên đáng kể.

Năm 2007, nếu như tỷ lệ đã qua đào tạo của lực lượng lao động thành thị là 36,5% thì nông thôn là 27,1% (chênh lệch 9,4%). Trong đó:

- Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề: thành thị chiếm 25,2%; nông thôn chiếm 20,3% (chênh lệch 4,9%);

- Tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên: thành thị chiếm 11,2%; nông thôn chiếm 6,9% (chênh lệch 4,3%);

* Số liệu ở bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ trình độ chuyên môn kỹ thuật lao động có việc làm theo khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch khá cao.

ĐVT: %

Chỉ tiêu

Thành thị

Nông thôn

1. Đã qua đào tạo

35,4

27,3

2. Đã qua đào tạo nghề

25,5

20,3

3. Trung cấp chuyên nghiệp

74,6

4,3

4. Cao đẳng – Đại học trở lên

6,3

2,6

Nguồn: Kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp 2007 Tỉnh Đồng Tháp

Một bất cập chung trong điều kiện hiện nay là trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động khu vực nông thôn thấp hơn nhiều so với thành thị (năm 2007 chênh lệch hơn 9%). Khoảng cách này sẽ tiếp tục gia tăng, vì vậy việc đẩy mạnh công tác đào tạo cho lao động khu vực nông thôn sẽ góp phần giảm bớt khoảng cách trên.

1.4. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn.

Thời gian sử dụng lao động ở nông thôn hiện còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn tăng lên hàng năm. Năm 2007 tỷ lệ số người thiếu việc làm so với tổng số người có việc làm là 11,8%, năm 2006 là 7,2%. Thiếu việc làm chiếm đa số ở lao động chưa qua đào tạo, ở khu vực nông thôn những người có trình độ thường làm những công việc mang tính ổn định, còn công việc giản đơn - thường không đảm bảo thời gian cần thiết, hơn nữa thu nhập thấp nên nhu cầu làm thêm là một thực tế. Thiếu việc làm ở khu vực nông thôn chủ yếu là lao động làm việc ở ngành nông - lâm và dịch vụ có liên quan, lĩnh vực đặc trưng ở khu vực này của tỉnh. Tỷ trọng thiếu việc làm ở lĩnh vực này chiếm 76,54% tổng số người thiếu việc làm nói chung (theo kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp 2007 Tỉnh Đồng Tháp).

* Nhận xét chung:

- Lao động ở khu vực nông thôn, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp hơn nhiều so với lao động thành thị và yêu cầu chung. Đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn cần được chú trọng nhằm tạo ra điều kiện đủ để chuyển dịch cơ cấu lao động trong tương lai.

- Lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao (năm 2007 là 56%). Cùng với giảm tỷ trọng lao động ở khu vực này thì trước hết cần có giải pháp tác động để chuyển dịch cơ cấu lao động trong bản thân khu vực theo hướng ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng, nâng cao tính hữu dụng (hiệu quả) của lao động nông, lâm, ngư nghiệp, từ đó tác động tới sự phát triển các nhóm ngành khác.

2. Hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo.

2.1. Giáo dục mầm non và phổ thông.

- Năm học 2008 - 2009, có 657 trường mầm non và phổ thông (so cùng kỳ năm trước tăng 11 trường), gồm có 164 trường mầm non, 312 trường tiểu học, 131 trường THCS, 10 trường C1+2, 39 trường THPT và 01 trường C2+3; 01 trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Tỉnh; 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Tỉnh; 11/11 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm giáo dục thường xuyên và 142/142 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 49 đơn vị (trong đó: 10 mầm non, 25 tiểu học, 10 trung học cơ sở, 04 trung học phổ thông).

- Mạng lưới trường mầm non và phổ thông tăng, song chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường; quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo và dạy nghề phát triển chưa theo kịp yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông có chuyển biến nhưng còn chậm, kết quả hạn chế. Công tác quản lý giáo dục chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá để tạo ra sự tăng tốc trong phát triển giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục thực hiện chưa toàn diện; kết quả hạn chế, nhất là việc huy động các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư mở các trường học, cơ sở đào tạo ngoài công lập.

2.2. Đào tạo nghề.

2.2.1. Mạng lưới dạy nghề: Tổng số cơ sở dạy nghề trong toàn Tỉnh hiện có là: 31 cơ sở, gồm:

- Trường Cao đẳng nghề: 01 (nâng cấp từ Trường Dạy nghề).

- Trường Trung cấp nghề: 03 (02 trường được nâng cấp từ TTDN Hồng Ngự, Tháp Mười và 01 trường được chuyển từ Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông vận tải).

- Trung tâm dạy nghề: 08 (trong đó ngoài công lập: 01).

- Trường Cao đẳng có dạy nghề: 01 (Trường Cao đẳng Cộng đồng).

- Trung tâm Giới thiệu việc làm có dạy nghề: 02

- Trường Trung cấp nghề Tân Bách khoa Chi nhánh Đồng Tháp: 01

- Các cơ sở dạy nghề khác: 15 cơ sở.

2.2.2. Ngành nghề đào tạo: Xuất phát từ thực tế ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Tỉnh và những ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công tác dạy nghề cho nông dân nông thôn trong những năm qua thực hiện đào tạo theo từng nhóm nghề sau:

- Nhóm sản xuất tiểu thủ công nghiệp: tập trung các nghề chế biến, bảo quản hàng nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng gồm các ngành nghề chế biến, bảo quản lương thực, chế biến thực phẩm, sản xuất cơ khí, sửa chữa nhỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng dệt may, giày da, sản xuất các mặt hàng tiêu thụ khác.

- Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: gồm các nghề như sản xuất gốm đất nung, đan lát, dệt chiếu cói, dệt thảm, thêu ren…

- Nhóm nghề nông nghiệp: gồm các nghề như thâm canh lúa và màu tổng hợp, Kỹ thuật trồng rau an toàn, Kỹ thuật làm vườn, Kỹ thuật nuôi gia súc gia cầm, Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản…

2.2.3. Qui mô đào tạo: Hệ thống cơ sở đào tạo nghề hiện nay có qui mô đào tạo trên 21.500 học viên/năm. Qui mô về số lượng tuyển sinh dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh ngày càng gia tăng thể hiện ở bảng sau:

 ĐVT: Học viên

Năm

Qui mô đào tạo

Trung cấp, Cao đẳng nghề)

Sơ cấp nghề (từ 3 tháng – dưới 1 năm)

Trong đó: Dạy nghề cho lao động nông thôn

Tỷ lệ số học viên nghề lao động nông thôn tăng so với năm trước (%)

2006

22.057

2.381

19.676

10.459

-

2007

21.542

1.996

19.546

12.115

15,83

2008

21.672

3.352

18.320

13.035

7,59

Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp

2.2.4. Đội ngũ giáo viên dạy nghề: Theo thống kê trong các cơ sở dạy nghề hiện có 421 cán bộ nhân viên và giáo viên dạy nghề; trong đó có 270 giáo viên (Giáo viên cơ hữu: 209 người), khoảng 20% là giáo viên nữ; trong các cơ sở dạy nghề tư nhân: 33 giáo viên (chiếm 12,2%), giáo viên có trình độ trên đại học chiếm 2,9%, đại học - cao đẳng chiếm 66,7%, trình độ khác chiếm 30,4%. Trên 85% giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

2.3 Giáo dục chuyên nghiệp: Hiện toàn Tỉnh hiện có 02 trường trung học nghề, 02 trường trung cấp chuyên nghiệp, 02 trường cao đẳng, 01 trường đại học. Tổng số trên 21.000 học sinh, sinh viên.

- Số lượt thí sinh Đồng Tháp trúng tuyển vào Đại học và Cao đẳng hàng năm chiếm từ 12 đến 20% so với tổng số thí sinh của tỉnh dự thi, thuộc nhóm có tỉ lệ khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, từ khi trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp được thành lập, tỉ lệ này đã tăng lên đáng kể. Đây là nguồn nhân lực dự trữ có chất lượng của địa phương trong các năm tới. Số thí sinh dự thi vào các trường TCCN ngày càng tăng, số lượt thí sinh trúng tuyển cũng tăng dần.

- Các ngành có thí sinh của Tỉnh dự thi đông là sư phạm, kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin, xây dựng,… Theo thống kê các năm qua của trường Đại học Cần Thơ, số sinh viên Đồng Tháp trúng tuyển và thực học khoa nông nghiệp ở mức ổn định, tuy nhiên ở khoa công nghệ và thuỷ sản đã có sự gia tăng đáng kể. Đây là xu hướng tích cực cho việc cung cấp nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật trong khu vực kinh tế nông-lâm-thuỷ sản, có khả năng đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch lao động theo hướng tích cực trong giai đoạn tới.

Phần thứ hai

ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ DỰ BÁO NHU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ CHO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2009 – 2020.

I. Định hướng và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2009-2020.

1. Định hướng.

- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

- Đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh, Khu vực đồng bằng sông Cử Long và cả nước.

- Xác định cơ cấu ngành nghề lao động nông thôn phải phù hợp với khả năng và lợi thế của Tỉnh.

- Từng bước cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, xây dựng nông thôn mới theo hướng ngày càng giàu đẹp, văn minh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

- Từng bước xây dựng đội ngũ doanh nhân nông thôn, trí thức hóa nông dân.

- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo - sử dụng - việc làm trong đào tạo nguồn nhân lực.

- Đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở phát huy và tận dụng mọi nguồn lực xã hội: ngân sách và xã hội hóa (người sử dụng lao động, người lao động và các nguồn khác).

2. Mục tiêu.

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát huy tối đa tiềm năng, điều kiện tự nhiên, lợi thế nguồn nhân lực nông thôn xây dựng nền nông nghiệp của Tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với thế mạnh là cây lúa, thuỷ sản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và là nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.

- Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trước mắt là dịch vụ du lịch đặc thù vùng ngập nước; đảm bảo điều kiện học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh; bảo đảm xã hội vùng nông thôn được ổn định, môi trường được bảo vệ, đủ khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, chuyển mới bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng trên 2,5 lần so với hiện nay.

- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ sản xuất của dân cư nông thôn, đặc biệt là dân cư vùng sâu, vùng biên giới đạt mức trung bình của đồng bẳng sông Cửu Long và trở thành chủ nhân thật sự ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

2.2.1. Giai đoạn 2009 - 2015:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 40% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2010 còn 50%.

- Nâng thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 500 USD năm 2010

- 100% xã, phường, thị trấn có kỹ sư trồng trọt và chăn nuôi; 40% xã có kỹ sư thủy sản và kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi.

2.2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68% lao động toàn Tỉnh; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2020 là 40%.

- 100% xã, thị trấn có kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và kỹ sư hoặc trung cấp thủy lợi và các kỹ sư chuyên ngành khác để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

- 90% lao động nông nghiệp được qua các khoá khuyến nông, ngư và 35-45% lao động được qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn về kỹ năng nông ngư nghiệp.

II. Dự báo nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh.

1. Dự báo nhu cầu đào tạo.

1.1. Đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật: Các ngành học được đào tạo gồm: Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thuỷ sản, Chăn nuôi thú y, Trồng trọt, Công nghệ sinh học, Quản lý môi trường, Quản trị kinh doanh, Luật, Tài chính kế toán, Nông học. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của các đơn vị trực tiếp quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản để đáp ứng yêu cầu xã hội.

1.1.1. Giai đoạn 2009 - 2015: Đào tạo 1.500 người; trong đó: Sau đại học là 120 người, đại học là 800 người, trung cấp là 580 người.

1.1.2. Giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo 900 người; trong đó: Sau đại học là 150 người, đại học là 550 người, trung cấp là 200 người.

1.2. Đào tạo nghề cho nông dân:

1.2.1. Đào tạo cho 16.000 người có trình độ từ trung cấp trở lên các ngành như: Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Phát triển nông thôn, Cơ khí nông nghiệp, Tài chính kế toán,... để bổ sung lực lượng vào hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, tổ hợp tác; vào các Hội cơ sở của Hội làm vườn, Hội nông dân, Hiệp hội thủy sản và sử dụng lực lượng vào các dịch vụ nông nghiệp nông thôn.

- Giai đoạn 2009 - 2015: đào tạo 9.400 người.

- Giai đoạn 2016 - 2020: đào tạo 6.600 người.

1.2.2. Đào tạo cấp chứng chỉ cho 86.000 người, cụ thể đào tạo vào các các lĩnh vực như: Cơ khí, sữa chữa động cơ máy nổ, máy gặt; Kỹ thuật trồng hoa, kiểng; Kỹ thuật điện cơ, điện lạnh; Công nhân thợ hồ, thợ mộc; May, thêu rua xuất khẩu; Cắm hoa khô; Nghề gắn, kết cườm; Dệt chiếu; Nghề tạo sản phẩm từ các nguyên liệu mây, tre, trúc, lục bình; Đan thảm xuất khẩu; Lắp ráp bảo trì máy tính; Công nghệ thông tin …

- Giai đoạn 2009 - 2015: 50.000 người

- Giai đoạn 2016 - 2020: 36.000 người

2. Nhu cầu bồi dưỡng.

2.1. Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ, chuyên môn: Cụ thể tập huấn về đào tạo giảng viên, kỹ năng khuyến nông, kỹ thuật chuyên ngành về lĩnh vực cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi.

- Giai đoạn 2009-2015: 3.500 người.

- Giai đoạn 2016-2020: 1.000 người.

2.2. Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho nông dân:

Tập huấn theo mô hình chương trình khuyến nông cho 162.000 lượt người nông dân, trong đó.

- Giai đoạn 2009-2015: 90.000 lượt người.

- Giai đoạn 2016-2020: 72.000 lượt người.

Phấn đấu hàng năm tập huấn cho 13.500 lượt người nông dân các kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp như:

- Xã viên hợp tác xã nông nghiệp cần phải dạy nghề áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

- Đào tạo nghề cho các trang trại về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

- Đào tạo nghề về nuôi trồng, ươm giống lĩnh vực thuỷ sản.

- Đào tạo nghề cho Hội viên hội làm vườn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái.

- Đào tạo nghề cho nông dân có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

- Đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ.

- Kỹ thuật duy tu, vận hành và sữa chữa các máy nông nghiệp.

- Kỹ thuật sơ chế bảo quản, tiếp thị và kinh doanh nông sản…

Phần thứ ba

CÁC GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. Các giải pháp.

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới cơ chế và ban hành chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm chính sách quy định những nghề trong nông nghiệp, nông thôn khi người lao động hành nghề phải qua đào tạo; chính sách cho người có văn bằng, chứng chỉ nghề và chứng nhận học nghề nông nghiệp được ưu tiên vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tự tổ chức sản xuất, kinh doanh.

2. Từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo điều kiện nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của giáo dục, từ đó tạo sự phát triển mạnh mẽ công tác giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật cho nông dân, chuyển giao cho họ để họ sản xuất ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá thành hạ đảm bảo hợp vệ sinh, phù hợp với yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật pháp, kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, kỹ năng quản lý kinh tế hộ trang trai, marketing, sử dụng, sửa chữa máy móc, nông cụ, tin học...

3. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và quy hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề phát triển tương xứng với quá trình chuyển dịch cơ cầu kinh tế - xã hội của địa phương.

Xây dựng chương trình và phối hợp phân luồng học sinh, hướng học sinh vào học nghề; tổ chức liên kết, liên thông trong và ngoài tỉnh để nâng trình độ đào tạo nghề cho học viên; chú ý đào tạo những ngành nghề mới, ngành nghề xã hội cần.

Mở rộng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn kết vừa đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, tập trung dạy các ngành nghề có khả năng sử dụng nguyên liệu tại chỗ và đáp ứng với đầu ra của sản phẩm. Đẩy mạnh hình thức đào tạo nghề theo địa chỉ (do các doanh nghiệp đặt hàng), dạy nghề tại các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động tại đơn vị doanh nghiệp, đảm bảo ổn định và chuyển dịch cơ cấu lao động.

4. Tăng cường đổi mới chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin vào công tác đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành nghề đào tạo, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật dạy học đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề.

Có chính sách huy động giáo viên là các nghệ nhân, các thợ lành nghề bậc cao từ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các làng nghề nhất là các giáo viên dạy thực hành vào dạy tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập

Từng bước đào tạo và đào tạo lại để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở xã, ấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đối với các xã, cán bộ phụ trách nông nghiệp cần phải tốt nghiệp đại học (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) và cần thiết xây dựng tổ chức khuyến nông ở xã, ấp, hợp tác xã …

5. Đầu tư thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người dạy và người học gắn với thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn.

Khuyến khích các cơ sở dạy nghề hiện có cũng như kêu gọi sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân để thành lập các trường và trung tâm dạy nghề; mở các lớp dạy nghề tại các làng nghề, cụm tuyến dân cư, phát triển các cơ sở dạy nghề trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong các khu công nghiệp;

Có chính sách và biện pháp huy động sự đóng góp từ phía người sử dụng lao động thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ học nghề do các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nghèo, lao động không đất sản xuất đảm bảo người lao động sau khi học nghề tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm ổn định.

6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo lao động nông thôn để tìm nguồn tài trợ, nguồn vốn phục vụ các hoạt động phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài trong phát triển nhân lực nông thôn; tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn cho đi xuất khẩu lao động.

II. Kinh phí thực hiện Đề án: Bao gồm ngân sách nhà nước đầu tư thông qua các chương trình, đề án, dự án hợp tác đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương, ngân sách địa phương; kinh phí đóng góp của người học; kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế, từ các cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Cụ thể:

1. Tổng kinh phí thực hiện đề án: 122.972 tỉ đồng.

- Giai đoạn 2009 - 2015: 72.940 tỉ đồng.

+ Kinh phí đào tạo: 66.490 tỉ đồng.

+ Kinh phí bồi dưỡng, tập huấn: 6.450 tỉ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 50.032 tỉ đồng.

+ Kinh phí đào tạo: 47.032 tỉ đồng.

+ Kinh phí bồi dưỡng, tập huấn: 3.000 tỉ đồng.

2. Dự kiến nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước: 86.080 tỉ đồng (70%)

- Xã hội hoá: 36.892 tỉ đồng (30%).

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân Tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện đề án này; Giao Ban chỉ đạo Phát triển nguồn nhân lực Tỉnh tham mưu cho UBND Tỉnh trong việc tổ chức thực hiện đề án.

2. Đề án được triển khai thực hiện làm hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: từ năm 2009 đến hết năm 2015 và tổ chức sơ kết tình hình thực hiện giai đoạn 1 vào cuối năm 2015.

- Giai đoạn 2: từ năm 2016 đến hết năm 2020 và tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện vào cuối năm 2020.

3. Giao các sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương:

- Căn cứ vào các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương để xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư, chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đạt được mục tiêu đề án trình Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND Tỉnh xem xét, phê duyệt thực hiện.

- Lồng ghép các chương trình, đề án, dự án liên quan đã được Bộ, ngành quản lý, UBND Tỉnh phê duyệt vào quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu nội dung của đề án.

4. Giao các sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư, quy hoạch xây dựng, kinh phí chi cho giáo dục và đào tạo, quy định tổ chức bộ máy và biên chế đội ngũ các đơn vị đào tạo, chế độ đối với người dạy và học nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao các mục tiêu đề án.

5. Các sở, ban, ngành Tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức quán triệt thực hiện nội dung đề án đến toàn thể cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân; chỉ đạo đưa các mục tiêu đề án vào nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng năm và giai đoạn 5 năm; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của đề án theo đúng chức trách và thẩm quyền quản lý được giao.

6. Các cơ sở đào tạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ của nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của đề án, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh, Bộ ngành chủ quản về tổ chức mở rộng ngành nghề đào tạo, nhu cầu đầu tư phát triển qui mô và nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo gắn với yêu cầu phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển qui mô người học, ngành nghề đào tạo và đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực địa phương.

7. Các Hội đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, xí nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập có trách nhiệm tuyên truyền vận động và tham gia tích cực thực hiện các nội dung, mục tiêu của đề án./.