Sau ly hôn muốn đòi lại quyền nuôi con cần có điều kiện gì?

Ngày gửi: 18/04/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL35753

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Tôi có cậu em họ kết hôn và có một bé gái đến nay được 4 tuổi, hai vợ chồng đã ly dị. Người vợ đã có đối tượng mới. Gia đình em họ tôi muốn đón bé gái về nuôi dưỡng, nhưng khi nghe được thông tin như vậy thì người vợ đã li gián, không cho phía nội gặp gỡ bé nữa. Bây giờ, với tình hình như vậy, gia đình em tôi rất lo lắng nếu người vợ tái giá thì không biết tương lai bé như thế nào. Gia đình em tôi rất muốn đón bé về nuôi dưỡng và chăm lo suốt đời có được không ạ, và nếu được có phải thực hiện những thủ tục pháp lý gì không? Kính nhờ Luật sư tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của con, Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, Tòa án chỉ quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, em bạn chỉ có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con từ mẹ sang bố khi em bạn chứng minh được rằng người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu em bạn không có căn cứ chứng minh, và thực tế người mẹ vẫn đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con thì dù người mẹ kết hôn với người khác, Tòa án cũng không thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được.

Tuy nhiên, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Việc không cản trở quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con được coi là nghĩa vụ của bên trực tiếp nuôi con và buộc phải thi hành sau khi đã có bản án ly hôn. Do đó, trong trường hợp em bạn muốn thăm con nhưng bị ngăn cản thì em bạn gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án, buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ cho em bạn thăm con bình thường. Trong trường hợp nghiêm trọng, cơ quan Thi hành án có thể tiến hành cưỡng chế theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, hành vi “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” là hành vi bạo lực gia đình ngay cả khi vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình, người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án); giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc Cơ quan Công an các cấp (từ cấp xã) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

Lut sư tư vn pháp lut trc tuyến qua tng đài:024.6294.9155

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.