Sử dụng phần mềm giám sát điện thoại của con có vi phạm pháp luật?
Ngày gửi: 06/03/2021 lúc 09:47:35
Tên đầy đủ: Liêm
Số điện thoại: 0978877xxx
Email: liembkxxx@gmail.com
Câu hỏi:
Tôi có 2 con đã lớn: cháu gái năm nay học năm thứ 2 đại học, cháu trai năm nay học lớp 11. Tôi cũng cho 2 cháu sử dụng điện thoại smartphone. Hiện tại để quản lý các cháu, tôi có cài phần mềm giám sát trẻ sử dụng điện thoại để quản lý. Tuy nhiên tôi lo lắng về luật bảo vệ quyền riêng tư bí mật của trẻ. Phần mềm giám sát đó tôi phải trả phí (của nước ngoài) hàng tháng để sử dụng tính năng chặn các ứng dụng cài trên điện thoại theo thời gian thiết lập, xem được nội dung tin nhắn của trẻ, danh bạ,. Xin hỏi như vậy tôi có vi phạm pháp luật không? Hãng phầm mềm kia có bị phạm pháp hay không? Hay cả 2 đều bị phạm pháp. Xin trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật Trẻ em 2016
Bộ luật Dân sự 2015
Luật Công nghệ thông tin 2006
Bộ luật hình sự 2015
2. Nội dung tư vấn
Trước hết, căn cứ Điều 1 Luật Trẻ em 2016:
“Trẻ em là người dưới 16 tuổi”
Theo thông tin bạn cung cấp, cháu bé nhất nhà bạn năm nay học lớp 11, như vậy, 02 cháu nhà bạn không phải là đối tượng áp dụng của Luật trẻ em.
Căn cứ Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nêu rõ:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo Khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ thông tin 2006, tổ chức cá nhân không được thực hiện một trong những hành vi sau:
"a) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
b) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;
c) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
d) Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
đ) Hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng."
Hành vi thực hiện và buôn bán phần mềm giám sát để nghe, theo dõi thông tin của người khác là vi phạm pháp luật. Mua và sử dụng cũng là hành vi vi phạm. Những người vi phạm có thể bị truy tố theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Như vậy, hành vi sử dụng phần mềm giám sát điện thoại của bạn và hành vi bán phần mềm giám sát điện thoại của bên bán là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam