Tai nạn khi đi ăn trưa, trên đường đi làm về có được hưởng chế độ tai nạn?

Ngày gửi: 21/11/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38825

Câu hỏi:

Tai nạn khi đi ăn trưa, trên đường đi làm về có được hưởng chế độ tai nạn? Giờ nghỉ trưa nhưng bị tai nạn có được hưởng bảo hiểm, được công ty hỗ trợ không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trong quá trình lao động tai nạn lao động có thể xem là điều mà không ai muốn nhắc đến và cũng không muốn mình và những người xung quanh gặp phải. Tuy nhiên cuộc sống không ai có thể lường trước điều gì bởi nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên thực tế hiện nay có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra khi đi ăn trưa giữa ca làm việc. Vậy trong trường hợp này khi đi ăn trưa nhưng xảy ra tai nạn. Liệu rằng họ có được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động hay không? Quyền lợi của họ được quy định như thế nào khi bị tai nạn. Trong bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giải đáp vướng mắc nay giúp bạn.

1. Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động theo quy định pháp luật

Những trường hợp khác đều được coi là tai nạn rủi ro và áp dụng chế độ bảo hiểm ốm đau để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn lao động song chủ yếu là do công tác an toàn lao động không được thực hiện tốt. Sự cố công nghệ như nổ nồi hơi, bình nén khí, bình sinh khí axetylen, thiết bị nâng không đảm bảo an toàn,.. vị trí, tư thế lao động gò bố, trình độ lao động thấp, ý thức kỷ luật lao động kém, tâm lý lao động không ổn định ,.. đều là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn lao động. Khi bị tai nạn lao đọng, bệnh nghề nghiệp, một mặt người lao động sẽ bị mất hoặc giảm thu nhập từ lao động.

Mặt khác, các chi phí cho đời sống hàng ngày tăng lên đột ngột, thậm chí là xuất hiện nhiều loại chi phí mới. Từ đó nhu cầu được bảo hiểm của người lao động và gia đình họ trong các trường hợp này càng trở nên bức xúc.

2. Tai nạn lao động theo quy định của pháp luật

Điểm quan trọng nhất để phân biệt tai nạn lao động với tai nạn rủi to là ở chỗ tai nạn đó có gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của người lao động ( bị tai nạn) hay không. Chỉ được coi là tai nạn lao động khi tai nạn đó xảy ra trong quá trình người lao động thực hiện các nghĩa vụ lao động được pháp luật quy định, nội quy, quy chế của đơn vị sử dụng lao động quy định hoặc theo sự thỏa thuận của hai bên trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động

Theo khoản 8 điều 3 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:

"8.Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động."

Ngay sau sự ra đời của chế độ ốm đau, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện trong lịch sử hình thành và phát triển của bảo hiểm xã hội nói chung với ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với trường hợp xảy ra rủi ro trong quá trình lao động gắn liền với nghề nghiệp của người lao động đồng thời thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng lao động và cộng đồng xã hội nói chung.

Hiểu theo nghĩa rộng, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chế độ bảo hiểm xã hội nhằm bù đắp các chi phí chữa trị, bù đắp hoặc thay thế thu nhập từ lao động mà nguyên nhân là tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp,.. Theo nghĩa này, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động không chỉ được bảo đảm từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội mà chính người sử dụng lao động cũng phải trực tiếp phải thanh toán các khoản có liên quan đến việc chữa trị, đảm bảo cuộc sống cho người lao động như: chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị…

Còn theo nghĩa hẹp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chế độ bảo hiểm xã hội do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả nhàm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập từ lao động của người lao động bị giảm hoặc mất do giảm hoặc mất khả năng lao động mà nguyên nhân là tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động được đảm bảo từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội, không bao gồm các khoản chi phí trực tiếp do người sử dụng lao đọng thanh toán. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa này cũng cần lưu ý trường hợp người sử dụng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của Nhà nước thì trách nhiệm chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội sẽ được dịch chuyển sang người sử dụng lao động bảo hiểm xã hội một khoản tiền ngang với mức quy định trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ được coi là thực sự đầy đủ khi được xem xét theo nghĩa rộng.

3. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 45 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động cụ thể như sau:

"Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này."

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây thì được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc trực tiếp tiếp xúc với môi trường độc hại theo danh mục do Nhà nước quy định bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm do Bộ y tế và Bộ lao động, thương binh và xã hội quy định và bị suy giảm khả năng lao động 5% trở lên.

Trường hợp người lao động bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc trong điều kiện lao động bình thường hoặc không tiếp xúc với các chất độc hại có liên quan tới bệnh đó thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc dẫn tới bệnh. Nếu trước đó người lao động đã từng làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và bệnh của họ chính là hậu quả của thời gian làm việc đó thì cần lưu ý tới thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp. Bị tai nạn lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì trong trường hợp này được coi là tai nạn lao động tùy thuộc vào mục đích điều chỉnh pháp luật của Nhà nước ở từng thời kỳ.

Trong cơ chế tập trung bao cấp, Nhà nước là chủ sử dụng lao động của toàn bộ lực lượng lao động trong xã hội, các trường hợp được coi là tai nạn lao động được xác định rất rộng. Ngoài những trường hợp người lao động bị tai nạn trong khi đang thực hiện nghĩa vụ lao động, bất kỳ ai tham gia vào việc cứu tài sản của Nhà nước mà bị tai nạn cũng được tính là tai nạn lao động và được hưởng bảo hiểm như người lao động bị tai nạn lao động. Quy định này của Nhà nước, xét về phương diện khoa học là chưa phù hợp.

Hiện nay những đối tượng này sẽ được áp dụng chế độ đãi ngộ khác của Nhà nước một cách hợp lý hơn. Các trường hợp được bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định hiện hành bao gồm: bị tai nạn lao động trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc cảu người lao động (trên tuyến đường hợp lý và khoảng thời gian hợp lý). Biên bản xác định hoặc biên bản điều tra tai nạn lao động của cấp có thẩm quyền, giấy ra viện, biên bản giám định y khoa là những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xét hưởng bảo hiểm của người lao động trong trường hợp này.

Như vậy có thể thấy theo quy định trên, thì sẽ không có giới hạn về khoảng thời gian người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại phải là đi vào đầu ca, cuối ca, hay giữa ca, mà chỉ yêu cầu đó là tuyến đường hợp lý và đi trong khoảng thời gian hợp lý. Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở cần căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn lao động.

Căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn nêu trên, trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động. Vì vậy trong trường hợp này người lao động bị tai nạn khi đi ăn trưa, hoặc trên đường đi làm về thì vẫn sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.