Tạo trang web đưa thông tin về khoa học công nghệ có vi phạm pháp luật không ?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Chào luật sư! Mình đã tạo một trang web tin tức để đưa tin về thông tin khoa học - công nghệ. Cụ thể: vnteks.com và đặt tên là: Tạp chí Việt Nam công nghệ số - Vnteks.com
Xin hỏi:
1/ Nếu như mình dùng trang trên để đưa tin tức mà không đăng kí với Bộ Thông Tin và Truyền Thông thì có vi phạm pháp luật không?
2/ Nếu mình đặt tên cho trang web của mình như trên (Tạp chí Việt Nam công nghệ số - Vnteks.com) thì có gì vi phạm pháp luật không?
3/ Mình và các thành viên của trang web vừa viết bài vừa đi lấy tin từ báo khác rồi đăng lên (có ghi rõ nguồn) thì có vi phạm pháp luật không?
Xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật sở hữu trí tuệ
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin
Thông tư 09/2014/TT-BTTTT Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
2. Nội dung tư vấn:
Câu 1
Theo Điều 2 Thông tư 09/2014/TT-BTTT
"1. Các trang thông tin điện tử không phải cấp phép:
a) Trang thông tin điện tử nội bộ quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sau đây viết tắt là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).
b) Trang thông tin điện tử cá nhân quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Cá nhân có quyền chia sẻ những thông tin không vi phạm các quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP trên trang thông tin điện tử cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin được đăng tải, chia sẻ; không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
c) Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin được quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
d) Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP không phải cấp phép theo quy định tại Thông tư này nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan.
đ) Diễn đàn nội bộ dành cho hoạt động trao đổi, hỏi đáp thông tin nội bộ liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.
2. Các trang thông tin điện tử phải cấp phép:
a) Trang thông tin điện tử tổng hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, mạng xã hội khi cung cấp thông tin tổng hợp thì phải đề nghị cấp phép như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.
Trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí: Cấp phép như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.
b) Mạng xã hội.
Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, trang thông tin điện tử tổng hợp nếu thiết lập mạng xã hội phải đề nghị cấp phép như đối với mạng xã hội.
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về những nội dung thông tin do mình cung cấp."
Theo đó, trang web bạn lập là trang thông tin điện tử cá nhân khoản 4 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, do đó trang web của bạn không cần phải xin cấp phép.
Câu 2
"Điều 23. Quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội
1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí.
2. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan của Nghị định này.
3. Trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định này...."
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có yêu cầu, quy định cụ thể về việc đặt tên website hơn nữa trang web bạn lập ra là trang thông tin điện tử cá nhân do đó bạn có quyền đặt tên như trên.
Câu 3
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
3. Các quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Chiếu trên cơ sở các quy định pháp lý như trên, việc bạn sử dụng tin tức, bài báo từ các trang khác, tuy có dẫn nguồn nhưng chưa được sự cho phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả thì bạn đã vi phạm khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam