Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra của cảnh sát kinh tế

Ngày gửi: 16/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33805

Câu hỏi:

Xin luật sư cho tôi được biết. Tôi có đầu tư một công ty may theo đúng pháp luật của doanh nghiệp được hưởng mọi ưu đãi đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổng đầu tư hơn 20 tỷ VNĐ, sau khi đầu tư tôi gặp rủi ro và thua lỗ trong kinh doanh hiện nay tôi phải bán cả dự án đầu tư cho đơn vị khác đúng luật và đúng với quy định hướng dẫn của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong khi tôi đang làm thủ tục chuyển nhượng theo hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền thì có các đồng chí cảnh sát kinh tế tỉnh yêu cầu kiểm tra tổng đầu tư của doanh nghiệp và kiểm tra tất cả các giấy tờ khác mà họ yêu cầu từ hóa đơn sao kê tài khoản ngân hàng, kê khai thuế và chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu. Tôi muốn hỏi: 1. Khi kiểm tra doanh nghiệp họ có có phải xuất trình quyết định kiểm tra doanh nghiệp không? 2. Người ký quyết định kiểm tra doanh nghiệp là trưởng hay phó phòng cảnh sát kinh tế?  3. Thời gian được kiểm tra và làm việc là bao nhiêu ngày? Hay cứ kiểm tra bao giờ song thì thôi? Rất mong luật sư cho tôi được biết xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

 

1. Căn cứ pháp lý

– Luật thanh tra 2010

– Nghị định 07/2012/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn:

Điều 31 Luật thanh tra 2010 quy định:

“1. Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra.”

Điều 37 Luật thanh tra 2010 quy định hình thức thanh tra: 

1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất.

2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

4. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.”

Như vậy, khi thanh tra, có thể được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất.

Điều 51 Luật thanh tra 2010 quy định thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành và phân công Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập như sau:

“1. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

2. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập theo sự phân công của Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trong trường hợp phân công Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra độc lập thì Thanh tra viên phải xuất trình thẻ thanh tra; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải xuất trình thẻ công chức.”

>>> Luật sư tư vấn thẩm quyền thanh tra, kiểm tra của công an kinh tế: 024.6294.9155

Điều 14 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch như sau:

“1. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. 

2. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.”

Điều 15 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất như sau:

“1. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh Thanh tra bộ, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở. 

2. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì quyết định thanh tra đột xuất được gửi để báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở. 

3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.”

Về thời gian thanh tra: Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập như sau:

“Thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng thanh tra là 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở gia hạn thời gian thanh tra nhưng thời gian gia hạn không được vượt quá 05 ngày làm việc.”

Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng là 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành thanh tra, trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.