Thẩm quyền thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Cơ quan nào có thẩm quyền thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án đối với việc đình chỉ thi hành quyết định hành chính theo Luật tố tụng hành chính?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật tố tụng hành chính năm 2015
2. Nội dung tư vấn
Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong luật tố tụng hành chính bao gồm:
– Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
– Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
– Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính.
Như vậy, trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời không quy định biện pháp đình chỉ thi hành quyết định hành chính mà chỉ tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính.
Khi cần thiết, người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Ngoài đơn yêu cầu thì cần gửi kèm tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn, Tòa án phải xem xét và ra quyết định áp dụng, trường hợp không đồng ý thì cần thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối.
Theo Điều 75 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay. Sau khi ra quyết định thì Tòa án phải gửi ngay quyết định đó cho đương sự, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
Theo đó, đối với biện pháp tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính, nếu cơ quan hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định không tự nguyện chấp hành thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tóa án, buộc cơ quan hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định phải tạm đình chỉ thi hành quyết định đó.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam