Thời gian được tính cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Ngày gửi: 14/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38182

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, tôi công tác tại xã từ ngày 17/01/1989 đến 9/1991 cán bộ Thống kê-kế hoạch và cán bộ Thư ký VP UBND xã; từ tháng 9/1991 đến 5/1995 cán bộ thư ký chi ủy xã kiêm Tổ chức chi ủy xã; từ 5/1995 đến 02/1996 cán bộ Tuyên giáo xã; từ tháng 03/1996 đến 12/1999 Đảng ủy phân công làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp và cử đi học lớp Trung cấp chính trị và tiếp tục công tác cho đến nay. Vậy xin Luật sư tư vấn giúp tôi, trường hợp kể trên của tôi có được tính là thời gian đã đóng BHXH để cộng nối với thời gian đóng BHXH sau này không? Tôi xin chân cảm ơn !

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;

2. Nội dung tư vấn

Bạn đã trình bày thời gian công tác của mình: Từ 17/01/1989 đến 9/1991 là cán bộ Thống kê-kế hoạch và cán bộ Thư ký văn phòng Uỷ ban nhân dân xã; từ 9/1991 đến 5/1995 là cán bộ thư ký chi ủy xã kiêm Tổ chức chi ủy xã; từ 5/1995 đến 02/1996 là cán bộ Tuyên giáo xã; từ tháng 03/1996 đến 12/1999 Đảng ủy phân công làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp và cử đi học lớp Trung cấp chính trị và tiếp tục công tác cho đến nay.

Trước hết theo lời trình bày của bạn, bạn đang là công chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước từ 17/01/1989 đến nay nên bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội:

“Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho tới khi ngừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Bên cạnh đó, tại khoản 6 điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về chế độ bảo hiểm với người đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 như sau:

“6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

Hằng năm, Nhà nước có chuyển một khoản kinh phí từ ngân sách vào quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995; đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 đối với những người được quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như ở trên. 

Theo đó, bạn đã đóng bảo hiểm từ 17/01/1989, hiện vẫn chưa nghỉ hưu và cũng không thấy bạn đề cập tới việc đã hưởng trợ cấp một lần nên thời gian bạn đóng trước ngày 01/01/1995 vẫn được tính là thời gian bạn đã đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, thời gian từ 17/01/1989 đến nay được tính là thời gian mà bạn đã đóng bảo hiểm xã hội và khi bạn nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó sẽ được tính để cộng nối với thời gian đóng Bảo hiểm xã hội sau này. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.