Thời hạn, thời hiệu? Cách tính thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Ngày gửi: 07/03/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33910

Câu hỏi:

Chào Luật sư. Tôi muốn hỏi một quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, được ký ngày 01/01/2012, sau đó người vi phạm đã ký nhận quyết định xử phạt nhưng chưa chấp hành. Đến nay (tháng 4/2016) người vi phạm mới đến nộp phạt thì có được thu tiền phạt không? Cần hiểu thế nào về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (theo khoản 1, điều 6, Luật xử lý vi phạm hành chính). Có người cho rằng đây là thời gian (1 năm) từ khi ra quyết định xử phạt; có người cho rằng đây là thời gian tính từ khi phát hiện vi phạm đến khi ra quyết định xử phạt. Nếu sau khi ra quyết định, người vi phạm đã được thông báo đến nhận quyết định nhưng cố tình không đến thì không áp dụng thời hạn này. Luật sư căn có thể nếu căn cứ viện dẫn của các văn bản hướng dẫn không? Xin cảm ơn.?  

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, về câu hỏi quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự được ký ngày 01/01/2012, người vi phạm đã ký nhận quyết định xử phạt nhưng chưa chấp hành. Đến nay (tháng 4/2016) người vi phạm mới đến nộp phạt thì có được thu tiền phạt không thì xin được trả lời bạn như sau:

Cụ thể trong trường hợp này, tính từ lúc có hành vi vi phạm và lập biên bản đến nay đã là hơn 4 năm, tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp tại khoản 2 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 do người bị xử phạt cố tình trì hoãn thì thời hiệu 1 năm sẽ được tính kể từ ngày người vi phạm chấm dứt hành vi trì hoãn là từ tháng 4/2016 người vi phạm mới đến để nộp phạt nên tiền phạt vẫn sẽ được thu theo quy định.

Thứ hai, sau khi ra quyết định, người vi phạm đã được thông báo đến nhận quyết định nhưng cố tình không đến thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp như đã phân tích ở trên. 

Cả 2 quan điểm bạn nêu ra tại câu hỏi đều không đúng với tính chất của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Bạn cần chú ý, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012  chỉ có 2 trường hợp là hành vi vi phạm đã kết thúc thì tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm và hành vi vi phạm vẫn đang được thực hiện thì tính từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Kể từ thời điểm bắt đầu đó, trong thời gian 1 năm các cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đó.

Trong trường hợp đã hơn 1 năm kể từ ngày kết thúc hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng mới phát hiện ra hành vi vi phạm đó thì cũng không còn thời hiệu để xử phạt. Lưu ý thời hiệu xử phạt của các hành vi vi phạm hành chính là khác nhau như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.