Thủ tục cấp, tách, chuyển, cắt, xóa và nhập sổ hộ khẩu mới nhất

Ngày gửi: 16/09/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33567

Câu hỏi:

Em chào luật sư, em tên Th, em mong luật sư tư vấn rõ cho em hiểu về việc cắt hộ khẩu. Từ nhỏ tới giờ (em năm nay 31 tuổi) 4 chị em theo hộ khẩu mẹ, nhưng mẹ em đã mất được 8 năm (2008). Mới ngày hôm qua 2 dì (dì nắm sổ hộ khẩu chính) có nói là sẽ cắt hộ khẩu 4 chị em ra khỏi sổ. Vì ba em vẫn còn chung hộ khẩu với bà nội nên tụi em chưa cắt về ba được.Vậy luật sư cho em hỏi: 1. Bên mấy dì có thể tự đi cắt hộ khẩu mấy chị em ra sổ được không?Xem thêm: Cách ghi quan hệ với con riêng của vợ trên sổ hộ khẩu 2. Hiện tại ba em cũng đang đi làm tách hộ khẩu để đứng tên sở hữu riêng để sau này cắt hộ khẩu tụi em về, vậy luật sư cho em hỏi giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cắt? Nhà em lại bị mất giấy chứng tử của mẹ, nếu không có giấy chứng tử thì mình phải làm sao? Có thể vẫn làm được cắt hộ khẩu không? Vì xảy ra bất hòa tranh chấp nên bên nhà dì không cho em gặp mặt, bước qua nhà với bất kỳ lý do gì nên những sổ hộ khẩu chính giờ không mượn được, nhưng em vẫn đang giữ sổ hộ khẩu ghép ạ. Rất mong luật sư tư vấn rõ để em biết mà làm theo để sớm giải quyết mâu thuẫn mà em đang gặp ạ. Em rất chân thành cám ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, Luật cư trú 2006 quy định như sau về vấn đề cắt (xóa) hộ khẩu:

“Điều 22. Xoá đăng ký thường trú

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Điều 37. Huỷ bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật

Trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật này thì thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú cấp trên trực tiếp có trách nhiệm huỷ bỏ việc đăng ký đó. Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đã đăng ký thường trú, tạm trú có trách nhiệm thực hiện việc xoá đăng ký thường trú, tạm trú; cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú trước đó phải đăng ký lại.”

Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định thêm:

“Điều 11. Xóa đăng ký thường trú

1. Xóa đăng ký thường trú là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.

Điều 14. Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật

1. Trường hợp đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện và đối tượng quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này thì Giám đốc Công an cấp tỉnh hủy bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trưởng Công an huyện thuộc tỉnh hủy bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh.

…”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, dì của bạn chỉ có thể cắt (xóa) khẩu của các bạn ra khỏi hộ khẩu nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

– Việc đăng ký thường trú của các bạn trước đây là trái pháp luật, nay bị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ việc đăng ký thường trú đó;

– Bốn chị em bạn đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.

Nếu không thuộc hai trường hợp trên, dì của bạn không thể xóa tên các bạn ra khỏi sổ hộ khẩu.

Thứ hai, về vấn đề đăng ký thường trú khi các bạn chuyển về với ba, Luật cư trú 2006 quy định:

“Điều 21. Thủ tục đăng ký thường trú

..

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 28. Giấy chuyển hộ khẩu

1. Công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu.

2. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:

a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;

b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh

4. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định:

“Điều 6. Hồ sơ đăng ký thường trú

1.d

Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau… thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn  về mối quan hệ nêu trên.”

Thông tư này cũng quy định về nghĩa vụ của dì bạn:

“Điều 10. Cấp sổ hộ khẩu

8. Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi chuyển hộ khẩu về với ba, bạn cần đến giấy chuyển hộ khẩu. Để có được giấy chuyển hộ khẩu, bạn phải có sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (có ý kiến của dì bạn) nhưng không cần đến giấy chứng tử của mẹ bạn. Do đó, bạn vẫn phải làm việc với dì bạn và dì bạn có nghĩa vụ tạo điều kiện cho bạn thực hiện các thủ tục này. Nếu dì bạn có hành vi cản trở, yêu cầu để giải quyết việc bạn chuyển khẩu về với ba bạn, dì có thể bị xử phạt theo quy định của Nghị định 167/3013/NĐ-CP:

“Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”

2. Thủ tục chuyển hộ khẩu khi mua nhà mới

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.