Thủ tục đăng ký cư trú đối với người nước ngoài

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31083

Câu hỏi:

chào công ty. em tên lan. e có 1 thắc mắc mong cty mình tư vấn giùm em ạ. nội dung là em và 1 người bạn Trung Quốc muốn vào tp hồ chí minh buôn bán. nhưng e ở miền trung. không phải người tp hcm. vậy cho e hỏi nếu e thuê nhà ở tp hcm để ở và tiện làm kho để hàng, thì khi thuê bạn người trung quốc của e có được phép ở chung với em không. nếu được thì điều kiện,thủ tục giấy tờ cần những gì ạ. em cảm ơn ạ? Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Với thắc mắc của bạn, Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau: 1. Cơ sở pháp lý: – Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014;  – Luật Cư trú 2006. 2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014

– Luật Cư trú 2006.

2. Luật sư tư vấn:

Theo câu hỏi bạn đưa ra, bạn muốn thuê nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và ở chung với người bạn Trung Quốc. Tuy nhiên, bạn không nêu rõ là muốn đăng ký tạm trú hay thường trú cho người này nên chúng tôi xin phép chia làm hai trường hợp:

* Đăng ký tạm trú:

"Điều 33. Khai báo tạm trú

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này".

Theo đó, cơ sở lưu trú là là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, người bạn Trung Quốc của bạn muốn đăng ký tạm trú phải thông qua người quản lý trực tiếp, điều hành hoạt động của cở sở lưu trú, trong trường hợp này là người sở hữu ngôi nhà cho bạn thuê để khai báo tạm trú vói Công an xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở lưu trú.

Thời hạn tạm trú sẽ phụ thuộc vào chứng nhận tạm trú mà đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc vào thị thực theo quy định tại Điều 31, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

Theo quy định tại Điều 37, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:

– Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh.

– Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh.

– Hộ chiếu.

* Đăng ký thường trú:

Nếu người nước ngoài muốn đăng ký thường trú tại Việt Nam phải thuộc các trường hợp được xét cho thường trú và đáp ứng điều kiện xét cho thường trú theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 39, Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:

"Điều 39. Các trường hợp được xét cho thường trú

1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.

3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Điều 40. Điều kiện xét cho thường trú

1. Người nước ngoài quy định tại Điều 39 của Luật này được xét cho thường trú nếu có chỗ ởhợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.

3. Người nước ngoài quy định tại Khoản 3 Điều 39 của Luật này đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên".

Nếu như thuộc các trường hợp và đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định thì người nước ngoài trên sẽ được thường trú ở Việt Nam. Thủ tục thực hiện việc đăng ký thường trú sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Cụ thể, hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

– Đơn xin thường trú.

– Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp.

– Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú.

– Bản sao hộ chiếu có chứng thực.

Nghi thức kết hôn, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú.

– Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

Đối với bản thân bạn, là công dân Việt Nam, khi muốn chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh thuê nhà phải tiến hành đăng ký tạm trú theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Luật Cư trú 2006:

"Ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn".

Cụ thể, thủ tục đăng ký tạm trú như sau:

– Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, trị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó, nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu, trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

– Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

– Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng. Trong thời hạn ba mươi ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn. 

– Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.