Thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quyền khiếu nại của người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng.
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Tôi là nhân viên của Công ty A đã được 2 năm. Hợp đồng giữa tôi và công ty kí kết có thời hạn là 5 năm. Ngày 15/12/2015, công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi nhưng lý do mà công ty đưa ra tôi không thấy thỏa đáng. Xin hỏi nếu muốn khiếu nại quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty thì tôi phải làm thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Ở đây vấn đề bạn muốn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực lao động. Về thủ tục khiếu nại quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bạn phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 119/2014/NĐ-CP. Cụ thể :
Về thời hiệu khiếu nại: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 119/2014/NĐ-CP có quy định về thời hạn khiếu nại như sau: “Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại.”
Trong trường hợp này, ngày 15/12/2015 bạn nhận được quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty. Tính đến thời điểm hiện tại thì thời hạn yêu cầu giải quyết khiếu nại của bạn vẫn còn.
Về hình thức khiếu nại: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 119/2014/NĐ-CP thì khiếu nại có thể bằng hình thức gửi đơn hoặc khiếu nại trực tiếp. Đối với việc khiếu nại bằng đơn khiếu nại thì trong đơn khiếu nại bạn cần ghi rõ các nội dung sau: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Về thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 119/2014/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:
“1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại.
2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp lên Công ty A. Công ty A có trách nhiệm giải quyết đối với chính quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn của mình. Sau khi khiếu nại lên Công ty A mà bạn không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty A thì bạn có thể khiếu nại lên Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội nơi Công ty A đặt trụ sở.
Về thủ tục giải quyết khiếu nại: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Trong khi khiếu nại, bạn có thể cung cấp các chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình về vấn đề bạn cần khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết. Bạn có quyền tìm hiểu các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại…Như vậy, đối với trường hợp của bạn sau 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của bạn Công ty A sẽ thụ lý giải quyết khiếu nại của bạn và có thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đối với bạn. Thời hạn giải quyết khiếu nại của bạn là không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định thụ lý khiếu nại của bạn. Sau khi tiến hành thụ lý khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại của bạn. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tổ chức đối thoại lần đầu. Khi tham gia đối thoại bạn sẽ có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại của mình. Việc đối thoại sẽ được lập biên bản và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại.Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam