Thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu

Ngày gửi: 06/08/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40075

Câu hỏi:

Thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu. Đăng ký bản quyền cho kịch bản truyền hình, sân khấu năm 2020.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, mạng xã hội online như Facebook, Zalo, báo Vietnamnet.com, báo Dân trí…, các bản tin, vụ việc về việc xâm phạm bản quyền thường được đưa tin với chiều hướng ngày càng gia tăng. Việc vi phạm bản quyền tác phẩm, vi phạm quyền tác giả của các tác phẩm trí tuệ không chỉ xảy ra trong lĩnh vực văn học, âm nhạc mà còn xảy ra ở cả lĩnh vực truyền hình, sân khấu điện ảnh.

Một số vụ việc tiêu biểu, được dư luận quan tâm như vụ việc một diễn viên bị một đạo diễn tố là “ăn cắp”, lấy nguyên vở kịch bản “Lò heo quay” của họ để cắt xét, dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu một chương trình với tựa đề của tác phẩm là “Xóm nghèo bá đạo”, hay vụ việc một nhạc sĩ lên tiếng về những sáng tác của anh từ cải lương cho đến nhiều bài ca cổ bị nhiều chương trình truyền hình tự ý sử dụng và bị chế tác, biến tấu thành nhiều phiên bản mà không xin phép, không thanh toán tác quyền, ảnh hưởng đến giá trị nguyên gốc của tác phẩm và quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm…

Đối mặt với thực trạng nêu trên, nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tự bảo vệ mình bằng cách thông qua việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu, tạo cơ hội để pháp luật can thiệp và bảo vệ quyền lợi cho họ khi có sự tranh chấp xảy ra. Về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ Luật sư và chuyên viên của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp cận nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu.

Về nội dung này, hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu được điều chỉnh bởi quy định của  Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, và được hướng dẫn bởi Điều 11, Điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ-CP và nội dung khái niệm được thể hiện trên từ điển Tiếng Việt online thì tác phẩm sân khấu được hiểu là những tác phẩm thuộc các thể loại như chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tạp kỹ, tấu hài, kịch dân ca, kịch câm, múa rối.., gọi chung là thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn. Còn kịch bản truyền hình được hiểu là những văn bản sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, ngắn gọn, nhưng có tính chất gợi hình, gợi cảnh, tạo ra bối cảnh, câu chuyện và diễn biến tâm lý nhân vật, là cơ sở xây dựng nên một tác phẩm truyền hình. Tác phẩm truyền hình cũng giống như tác phẩm điện ảnh là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố trên nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh, thể hiện nội dung của kịch bản truyền hình. Trong tác phẩm truyền hình, hình ảnh động có thể được kết hợp hoặc không kết hợp với các yếu tố như âm thanh, câu chữ hay các phương tiện khác theo nguyên tắc nhất định.

Dù là tác phẩm kịch bản truyền hình, hay tác phẩm sân khấu thì đó đều là sản phẩm của trí tuệ, “chất xám” của tác giả, là “đứa con tinh thần”, là tâm huyết, là nỗ lực, là sự phản ánh tâm hồn và nhân sinh quan của tác giả đối với cuộc đời và xã hội. Là người sáng tạo ra tác phẩm, là người có quyền sở hữu với tác phẩm kể từ khi tác phẩm ra đời, nên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có quyền tác giả và các quyền lợi ích khác gắn liền với tác phẩm kịch bản truyền hình, tác phẩm sân khấu kể từ thời điểm tác phẩm “ra đời”. Chính bởi vậy, những hành vi “vay mượn”, dàn dựng, biến tấu kịch bản truyền hình, tác phẩm sân khấu, mạo danh và trục lợi trên chính tác phẩm của người khác là hành vi xâm phạm đến bản quyền của tác phẩm, quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hợp pháp đối với tác phẩm của người khác, thể hiện sự thiếu tôn trọng đến thành quả lao động của người khác đối với tác phẩm. 

Do vậy, việc đăng ký bản quyền (quyền tác giả) cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu, trước hết, được hiểu là một phương án mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đang bảo vệ quyền lợi của mình, thông qua việc nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để được Nhà nước và pháp luật công nhận và bảo hộ đối với bản quyền tác phẩm, quyền tác giả của mình đối với tác phẩm này, là căn cứ để được can thiệp bảo vệ khi xảy ra sự kiện tranh chấp về vấn đề bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu.

Hiện nay, trong quy định của pháp luật, tác phẩm kịch bản truyền hình, tác phẩm sân khấu đang được ghi nhận là một loại hình tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ về quyền tác giả. Do vậy, hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu sẽ được thực hiện thủ tục chung về đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm. Cụ thể:

  • Về mặt hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu.

Để đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu, thì cần chuẩn bị:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả (có mẫu) đã được điền đầy đủ thông tin theo quy định.

– Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, trong trường hợp người nộp đơn là người được ủy quyền từ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

– Giấy cam đoan hoặc văn bản đồng ý về việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu của các đồng tác giả (nếu có đồng tác giả), của các đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người).

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn là người được hưởng dụng quyền tác giả đối với tác phẩm truyền hình, sân khấu này từ người khác.

– Giấy tờ tùy thân của người nộp đơn và các tác giả.

  • Về mặt thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu.

– Người nộp đơn, ở đây có thể là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc người được tác giả ủy quyền sẽ nộp đơn lên Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

– Cục Bản quyền tác giả sẽ có văn bản trả lời trong thời gian 15 ngày, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ hợp lệ từ người nộp đơn.

– Trường hợp đồng ý đối với nội dung đăng ký bản quyền trong hồ sơ thì Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp không đồng ý thì người nộp đơn cũng nhận được câu trả lời bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyền.

Dịch vụ pháp lý của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

– Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ miễn phí qua tổng đài tư vấn trực tuyến 024.6294.9155

– Tư vấn điều kiện đăng ký bản quyền.

– Tư vấn về thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm.

– Tư vấn trình tự đăng ký bản quyền cho tác phẩm kịch bản truyền hình, sân khấu.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.