Thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Tôi đang có hộ khẩu tại TP HCM, đã kết hôn và có 01 con ngoài giá thú.Cháu mới sinh 2 tháng và non tháng, bị bệnh nên phải nằm tại bệnh viện điều trị. Do dự kiến cháu phải nằm viện lâu (khoảng 6 tháng) nên tôi muốn làm thủ tục khai sinh cho con đăng ký tại TP. HCM (mẹ cháu hộ khẩu tỉnh) để được hưởng Bảo hiểm y tế theo tuyến TP.HCM. Tôi có tìm hiểu trên mạng nhưng chưa thấy cách nào để khai sinh được cho phù hợp (phải theo HK của mẹ cháu), nên muốn nhờ quý công ty tư vấn giúp cách nào khai sinh cho cháu theo HK của tôi được không? (nhận con nuôi hay khai sinh ở tỉnh rồi chuyển HK cũng được, hoặc cách nào đăng ký khai sinh chỉ có tên bố – mẹ cháu cũng đồng ý, miễn là được đăng ký HK TP …..)?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy đinh tại điều 13 luật hộ tịch 2014, thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em thuộc về ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Tuy nhiên do bạn và mẹ đứa bé không có kết hôn do đó đứa bé chưa được xác định là con của bạn. Do vậy việc khai sinh cho cháu (kể cả thủ tục khai sinh kết hợp với thủ tục nhận cha cho con) phải được thực hiện tại nơi cư trú của người mẹ. Vấn đề của bạn nằm ở chỗ có sự nhầm lẫn về nơi cư trú và họ khẩu thường trú.
Luật cư trú quy định rõ, nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú (có đăng ký thường trú), tạm trú (có đăng ký tạm trú) hoặc nếu không có nơi cư trú được xác định là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì nơi cư trú được xác định là nơi người đó đang sinh sống. Điều này cũng được cụ thể hóa tại khoản 4 điều 5 luật hộ tịch. Trong đó, một trong những nguyên tắc đăng ký hộ tịch là:
“4. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.”
Như vậy đối với trường hợp khai sinh cho con bạn có hai cách. Nếu mẹ của cháu bé có đăng ký tạm trú tại TPHCM hoặc đang sinh sống tại TPHCM, thì bạn và mẹ bé có thể đến UBND cấp xã nơi người mẹ đang tạm trú hoặc đang sinh sống để làm thủ tục khai sinh, kết hợp với thủ tục nhận cha cho con để bé được khai sinh có tên cả cha lẫn mẹ trong giấy khai sinh. Sau đó nhập hộ khẩu cho con vào hộ khẩu của bạn tại TPHCM.
Trường hợp mẹ bé chỉ có nơi cư trú ở Tỉnh thì bạn và mẹ bé phải về lại UBND cấp xã ở Tỉnh mà người mẹ có nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh và nhận cha cho con. Sau khi hoàn tất thủ tục này, bạn có thể đăng ký thường trú cho con vào hộ khẩu của mình tại TPHCM.
Hồ sơ để thực hiện 2 kết hợp hai thủ tục đăng ký hộ tịch nêu trên bao gồm:
Tờ khai (theo mẫu);
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con (kết quả giám định ADN, thư tư, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình chứng minh mối quan hệ cha con);
Giấy chứng sinh (do bệnh viện, Trung tâm y tế, nhà hộ sinh cấp), trong trường hợp không có giấy này thì cần có giấy xác nhận về việc sinh con của người làm chứng, nếu không có người làm chứng thì có văn bản cam đoan về việc sinh.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam