Thủ tục khám xét chỗ ở và bắt người

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41236

Câu hỏi:

Xin kính chào luật sư, tôi xin nhờ luật sư tư vấn giúp tôi xem sự việc tôi kể sau đây nên làm như thế nào: Vào ngày 3/3/2016 lúc khảng 22 giờ 15 phút có 3 người ở địa phương khác đi trên 1 xe máy made in china (trung quốc) đến trước cổng trại chăn nuôi gia cầm của gia đình tôi, rồi cả 3 người thay nhau gào thét gọi tên tôi nhưng khi đó tôi không có ở trang trại mà chỉ có em trai tôi là Phạm Xuân Ngọc 37 tuổi đi chơi về đang nằm ngủ. Do tiếng gào thét của 3 đối tượng đó quá gây bức xúc nên Ngọc bật dậy đi ra cổng mở khóa và hỏi bọn các ông tìm ông Phú sao không điện thoại mà lại đến đây gào thét như vậy, nhưng khi 2 đối tượng ngồi phía sau thấy Ngọc mở cổng thì liền nhảy khỏi xe máy bỏ chạy mỗi người 1 hướng. Thấy vậy Ngọc co chân đạp vào xe máy làm cho xe máy và đối tượng cầm lái bị đổ xuống ruộng trước cổng, sau đó đối tượng cầm lái cũng bỏ xe máy ở ruộng rồi chạy vào phía sâu trong ngõ cụt. Khi đấy hàng xóm của chúng tôi thấy ồn ào nên đã ra ngõ để xem ngọc va chạm với ai nên bà con đều chứng kiến từ đầu đến khi ngọc quay vào trang trại đóng cổng đi ngủ. Khi mọi người ai về nhà đó thì lúc đấy khoảng 00h 20 phút vẫn thấy chiếc xe máy ở dưới ruộng chưa có ai quay lại đem đi. Nhưng đến sáng thì mọi người không còn thấy chiếc xe máy nữa và vụ va chạm giữa Ngọc và 1 đối tượng cầm lái cũng qua loa không có thương tích gì đáng kể ngoài chảy tí máu mồm vì bị đấm trúng. Đối tượng còn nhờ ngọc gọi hộ chiếc taxi nhưng ngọc không gọi vì vậy đối tượng phải đi bộ cách chỗ trang trại khoảng hơn 1km để gọi xe đến đón về nhà ở Thành phố Hải Dương. Tôi được biết cách 4 ngày sau các đối tượng bàn bạc gửi đơn kiện Ngọc em tôi đến cơ quan công an huyện Thanh Hà nơi xảy ra vụ xô sát, thế rồi đến ngày 16/6/2016 tức là sau 3 tháng xảy ra vụ việc công an huyện không có 1 thứ giấy tờ gì liên quan đến vụ viêc trước đấy nhưng lại đùng đùng kéo đến gần 20 người cả ăn mặc dân sự và thường phục công an đến trang trại chăn nuôi của gia đình tôi lục soát tủ đựng quần áo của mẹ tôi và của tôi trong khi không có 1 lệnh khám nhà hay bắt người của Viện Kiểm Sát hoặc Tòa Án lục soát 1 lúc họ thấy có cái BKS của xe máy nên họ đem đi và bắt luôn cả em tôi đi sang công an huyện rồi đem đi tạm giam ở trai giam công an tỉnh Hải Dương đến nay là 22/10/2016 và dự định sẽ đem ra xử án vào ngày gần đây đó là do tin tức tôi tự tìm hiểu chứ chưa có cơ quan nào gửi giấy báo xử án đến nhà chúng tôi. Vây tôi xin luật sư tư vấn giúp xem chúng tôi lên làm gì để cứu em tôi? Xin chân thành cảm ơn luật sư, mong xớm nhận được câu trả lời từ luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Về việc khám nhà không có lệnh.

– Cơ sở pháp lý: 

Điều 22 Hiến pháp 2013.

Điều 80, Điều 141 và Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

– Nội dung tư vấn:

Theo quy định Bộ Luật tố tụng hình sự 2003, việc khám chổ ở phải có lệnh khám của những người sau đây:

– Trường hợp thông thường:

Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh khám phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

– Trường hợp khẩn cấp, không thể trì hoãn thì những người sau cũng có thể ra lệnh khám xét chỗ ở:

Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;

Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Đồng thời, thủ tục tiến hành khám chỗ ở được quy định như sau:

– Khi khám chỗ ở phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

– Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Khi bắt đầu khám chỗ ở, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

– Khi tiến hành khám chỗ ở những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

Điểm khác nhau giữa bắt bị can, bị cáo để tạm giam với bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Như vậy, trường hơp cơ quan công an khám xét nhà ở của bạn và bắt giữ em bạn mà không có quyết định khám xét hay lệnh bắt người là trái quy định của pháp luật, bạn có thể khiếu nại tới cơ quan công an về hành vi này.

2. Cơ quan điều tra bắt và tạm giam em bạn:

– Cơ sở pháp lý:

Điều 81, Điều 88 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003.

– Nội dung tư vấn:

Theo như bạn trình bày, vụ việc xô xát diễn ra ngày 03/03/2016, cơ quan công an khám nhà và bắt em trai bạn vào ngày 16/03/2016 nên không thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang truy nã (do vụ án chưa được khởi tố theo thủ tục tố tụng hình sự). Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2003, việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải đảm bảo các điều kiện sau:

Quy đinh về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 81 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003:

– Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

– Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

– Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Có quyết định phê chuẩn quyết định bắt người của cơ quan kiểm sát cùng cấp.

Bạn đối chiếu quy định trên vào trường hợp của em bạn để xác định hành vi của cơ quan công an có vi phạm hay không? Nếu có căn cứ cho rằng cơ quan điều tra có hành vi vi phạm về  thủ tục tố tụng khi bắt người thì gia đình bạn có quyền khiếu nại hành vi của cơ quan công an.

Theo thông tin bạn cung cấp thì em bạn đang bị tạm giam tại trại tạm giam. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Bạn phải tìm hiểu rõ em bạn đang bị khởi tố về tội gì sau đó xác định có thuộc trường hợp bị tạm giam như trên không?

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.