Thủ tục tố cáo hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Công ty chúng tôi vừa sản xuất được một CD ca nhạc thì bị một số cá nhân sao chép lậu, tung ra thị trường; chúng tôi đã thu thập đầy đủ chứng cứ về việc vi phạm này. Xin cho biết chúng tôi phải gửi đơn tố cáo đến cơ quan nào và thủ tục gồm những gì? Chúng tôi có thể tố cáo đến cơ quan Quản lý thị trường được không?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ thì các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, bạn có thể nộp đơn tố cáo hành vi vi phạm đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Thông tư của Bộ Công thương số 12/2008/TT-BCT ngày 22-10-2008 hướng dẫn quy trình, thủ tục tiếp nhận, thụ lí giải quyết đơn yêu cầu xử lí các vụ việc vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ của cơ quan quản lí thị trường đã hướng dẫn: Hồ sơ do tổ chức, cá nhân bị thiệt hại tố cáo gồm các tài liệu sau:
- Đơn tố cáo, yêu cầu xử lý có đầy đủ các nội dung như ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người yêu cầu xử lý xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện; tên cơ quan nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người xâm phạm; tên, địa chỉ của người bị nghi ngờ là người xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có); tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); thông tin tóm tắt về quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm: Loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền; thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: Ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm và các thông tin khác (nếu có).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu người yêu cầu đăng ký kinh doanh tại ViệtNam);
- Chứng cứ về thiệt hại;
- Kết luận giám định về thiệt hại (nếu có).
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam