Thừa kế của con riêng, con nuôi
BTV: Thưa luật sư Lê Huy Hải, với tư cách là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thừa kế xin ông cho biết luật pháp quy định về việc con riêng, con nuôi hưởng thừa kế như thế nào?
Thạc sỹ, Luật sư Lê Huy Hải
Dưới góc độ pháp lý, con riêng và con nuôi đều được hưởng quyền thừa kế của cha mẹ đẻ và là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015.
BTV: Vậy có điểm nào khác nhau giữa con riêng và con nuôi trong thừa kế thưa luật sư?
Sự khác nhau sảy ra bắt đầu từ hàng thừa kế thứ 2, khi bố/mẹ nuôi chết và bố mẹ của người nuôi chết (người con nuôi gọi là ông bà) thì người con nuôi không phải là người thừa kế trong hàng thừa kế thứ hai. Nói cách khác con nuôi không được hưởng thừa kế của bố mẹ người nuôi (ông, bà).
Nhưng con riêng thì khác, họ vẫn đương nhiên là người trong hàng thừa kế thứ 2 của ông bà, vì họ là cháu ruột của ông bà theo quy định tại khoản 1b Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015.
BTV: Thưa luật sư, vậy con riêng của người vợ hoặc chồng có được hưởng thừa kế của cha dượng, mẹ kế hay không?
Vấn đề này lần đầu tiên được quy định trong mục 7 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1990, theo đó về cơ bản con riêng không được hưởng thừa kế của cha dượng, mẹ kế vì bản chất họ không có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên nếu giữa con riêng và cha dượng mẹ kế chứng minh được mối quan hệ nuôi dưỡng (chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau) như cha với con, như mẹ với con thì được hưởng thừa kế của nhau. Tuy nhiên phải hiểu rất rõ đó là việc chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình.
Trong giai đoạn này, Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ hơn về việc thừa kế của con riêng với cha dượng, mẹ kế. Theo đó nếu con riêng có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cha dượng, mẹ kế như mối quan hệ cha với con, mẹ với con theo luật Hôn nhân và Gia đình thì được hưởng di sản thừa kế của nhau.
BTV: Vậy điều kiện để con riêng được hưởng thừa kế của cha dượng, mẹ kế là gì thưa luật sư?
Như tôi đã trao đổi, vấn đề quan trọng là phải tồn tại mối quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế.
Nuôi dưỡng, chăm sóc ở đây phải hiểu là khi con riêng của người vợ hoặc chồng còn nhỏ thì người cha dượng, mẹ kế đã góp công, góp sức nuôi người con riêng của người vợ như con đẻ của mình. Ngược lại, người con riêng cũng thương yêu, quan tâm chăm sóc người cha dượng, mẹ kế như cha, mẹ của mình. Mối quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng là hai chiều.
Trong thực tiễn có vụ án anh A lấy chị B đã có con riêng nhưng con riêng của chị B rất ghét bố dượng, sau này khi đã trên 18 tuổi và lập gia đình nhưng con riêng của chị B vẫn không thay đổi, mặc dù khi còn nhỏ anh A vẫn nuôi dưỡng con riêng của chị B, nuôi con chị B ăn học.
Khi anh A chết con riêng của chị B không phải là người thừa kế của anh A với lý do quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây không phải là chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau, nói cách khác đây chỉ là quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng một chiều không như cha với con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Xin cảm ơn buổi trao đổi hữu ích của luật sư.
BBT Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam