Bảo hiểm xã hội

"Bảo hiểm xã hội" được hiểu như sau:

Chế định pháp luật lao động, gồm các quy phạm pháp luật quy định về chế độ trợ cấp ốm đau; chế độ trợ cấp thai sản; chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình họ trong các trường hợp người lao động ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác.

Về thực chất, bảo hiểm xã hội là một phương thức phân phối lại thu nhập bằng các kỹ thuật nghiệp vụ nhằm góp phần cân bằng thu nhập bị mất hoặc giảm từ hoạt động nghề nghiệp bằng khoản trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tồn tại dưới hai loại hình, loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng và một số trường hợp khác.

Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn: người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương; người lao động đóng bằng 5% tiền lương; nhà nước đóng và hỗ trợ thêm; tiền sinh lời của quỹ; các nguồn khác.

Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, dân chủ và công khai theo chế độ tài chính của nhà nước.

Trên thế giới, bảo hiểm xã hội xuất hiện từ rất lâu, đã có mầm mống từ thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XIX, xuất hiện đạo luật đầu tiên về bảo hiểm xã hội ở Đức. Sản xuất công nghiệp phát triển đã làm cho đội ngũ những người lao động làm thuê ngày càng đông đảo đồng thời cũng làm cho các rủi ro trong lao động tăng theo. Để bảo vệ mình, những người lao động đã đấu tranh buộc giới chủ phải cam kết bồi thường và bảo đảm an toàn thu nhập cho họ. Trong quá trình phát triển đó đã xuất hiện các tổ chức bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp và các chế độ bảo hiểm xã hội mở rộng dần. Năm 1952, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước 192 về tiêu chuẩn tối thiểu cho một loạt trợ cấp. Tùy theo điều kiện cụ thể mà mỗi nước quyết định áp dụng các loại trợ cấp đó.

Ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội có mầm mống từ thế kỷ XVII dưới dạng quỹ thương, nghĩa điền và đến thế kỷ XIX đã xuất hiện các hội tương tế để giúp đỡ lẫn nhau. Ngày nay, bảo hiểm xã hội đã trở thành một chính sách lớn được Hiến pháp thừa nhận và pháp luật cụ thể hóa.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.

Xem các thuật ngữ khác: