Bảo vệ môi trường
"Bảo vệ môi trường" được hiểu như sau:
Giữ gìn và cải thiện môi trường sống của con người và các hệ sinh thái.
Trong các lĩnh vực địa lý, lý học, sinh học, y học..., bảo vệ môi trường được hiểu là tập hợp các biện pháp giữ gìn, sử dụng hoặc phục hồi một cách hợp lí sinh giới (vi sinh vật, thực vật, động vật) và môi sinh (đất, nước, không khí, lòng đất, khí hậu...), nghiên cứu thử nghiệm thiết bị sử dụng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ không có hoặc ít có phế liệu... nhằm tạo ra một không gian tối ưu cho con người.
Với tư cách là thuật ngữ pháp lý, bảo vệ môi trường được hình thành vào giữa thế kỷ XX, ở các nước có nền công nghiệp phát triển. Thời gian đầu, bảo vệ môi trường chỉ được hiểu đồng nghĩa với bảo tồn, sau đó nội dung được mở rộng bao gồm cả việc khai thác, sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên và cải thiện môi trường sống của con người và hệ sinh vật.
Ngày nay, các nhà khoa học còn cho rằng, môi trường không chỉ được hiểu là môi trường tự nhiên mà còn bao gồm cả môi trường xã hội - là các điều kiện về tinh thần và văn hóa... phục vụ cho cuộc sống con người được thoải mái. Tuy nhiên, pháp luật môi trường hiện hành chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tự nhiên, bao gồm: các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên.
Tại Luật bảo vệ môi trường năm 2005, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm làm cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái; phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Như vậy, bảo vệ môi trường vừa được hiểu là bảo vệ chất lượng môi trường nói chung, vừa bảo vệ chất lượng của từng thành phần môi trường như bảo vệ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học...
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả mọi người và của mọi quốc gia, không phân biệt hình thức chính thể, chế độ chính trị và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Bảo vệ môi trường được thực hiện bằng việc áp dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau như biện pháp tổ chức - chính trị, biện pháp kinh tế, biện pháp khoa học - công nghệ, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, biện pháp pháp lý...
Bảo vệ môi trường có thể tiến hành theo nhiều cấp độ khác nhau, gồm: cấp cá nhân, cấp cộng đồng, cấp địa phương, vùng, cấp quốc gia, cấp tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, bảo vệ môi trường được quy tại khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2014:“Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.”