Đấu giá tài sản
"Đấu giá tài sản" được hiểu như sau:
Hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán.
Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc (theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoặc tự nguyện (theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản). Người bán tài sản có thể tự tổ chức đấu giá hoặc thông qua người bán đấu giá. Ở Việt Nam, người bán đấu giá là các trung tâm dịch vụ bán đấu giá do sở Tư pháp trực tiếp quản lý hoặc là các thương nhân hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Đấu giá có thể được thực hiện dưới phương thức đấu tăng giá hoặc đấu hạ giá (đấu giá kiểu Hà Lan/Dutch auction). Pháp luật Việt Nam chỉ quy định về đấu tăng giá.
Thông thường, để đấu giá tài sản, người bán đấu giá phải đưa ra giá khởi điểm của tài sản muốn bán và phải trưng bày tài sản để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua sẽ tham gia trả giá theo thủ tục nhất định. Người trả giá cao nhất là người giành được quyền mua tài sản.
Đấu giá tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại của Việt Nam, được cụ thể hóa
trong Quy chế bán đấu giá tài sản, ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19.12.1996.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, đấu giá tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật đấu giá tài sản năm 2016 do Quốc hội khóa 14 ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2016: “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này.”.