Doanh nghiệp nhà nước
"Doanh nghiệp nhà nước" được hiểu như sau:
Tổ chức kinh tế thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của Nhà nước, được tổ chức dưới hình thức pháp lý nhất định để tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc công ích nhằm đạt mục đích lợi nhuận hoặc chính sách kinh tế - xã hội.
Các quốc gia trên thế giới đều duy trì một số lượng nhất định các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này thường hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, cung ứng dịch vụ công cộng quan trọng, những lĩnh vực kinh tế then chốt hoặc những lĩnh vực đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và ít lợi nhuận mà thành phần kinh tế tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm. Doanh nghiệp nhà nước trên thế giới có nhiều dạng: doanh nghiệp được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, trong đó, Nhà nước nắm quyền chi phối các hoạt động; doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư toàn bộ vốn nhưng vẫn được thừa nhận là các chủ thể pháp lý độc lập với tài sản riêng và khả năng chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản; các doanh nghiệp không có tài sản riêng, không có quyền tự chủ kinh doanh, mọi chi phí hoạt động lấy từ ngân sách nhà nước.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước dưới tên gọi xí nghiệp quốc gia được thừa nhận từ sắc lệnh số 104/SL ngày 01.01.1948. Thuật ngữ doanh nghiệp nhà nước chính thức được sử dụng trong Nghị định số 388/CP ngày 20.11.1991 của Chính phủ ban hành quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước để thay thế cho thuật ngữ xí nghiệp quốc doanh được sử dụng trong một thời gian dài trước đó. Đến Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 thì địa vị pháp lý của doanh nghiệp nhà nước được hoàn thiện một bước căn bản. Theo đạo luật này thì doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân do Nhà nước đầu tư toàn bộ vốn thành lập và nắm quyền quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước giao. Xét về mục đích hoạt động có doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích. Xét về hình thức liên kết có doanh nghiệp nhà nước hoạt động độc lập, doanh nghiệp nhà nước là thành viên tổng công ty nhà nước và tổng công ty nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước tuy không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng có quyền quản lý và sử dụng tài sản được Nhà nước giao vào các hoạt động kinh doanh hay công ích của mình. Doanh nghiệp nhà nước tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý.
Đến Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 thay thế cho Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi căn bản. Theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp nhà nước có thể là: công ty nhà nước (công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước), công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (cổ phần hoặc vốn góp của nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ và nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó).
Việc thay đổi quan niệm về doanh nghiệp nhà nước góp phần giải quyết mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu của doanh nghiệp; trao quyền tự chủ kinh doanh thực sự cho doanh nghiệp nhà nước; tạo sự linh hoạt, tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hướng tới thống nhất cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước được quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”.